Người dịch: Ly Bà Bà
Vào tháng 1 năm 2002, nghệ sĩ, nhà văn và nhà tự nhiên học Daphne Warburg Astor đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Rupert Spira. Những câu hỏi của cô về công việc thợ gốm của ông bắt đầu từ thảo luận về vẻ đẹp và hình thức cho đến khám phá sâu hơn về nhận thức và sau đó là tâm thức. Sự hiểu biết bất nhị của Rupert thể hiện tự nhiên trong các chủ đề khoa học, văn hóa và vai trò của nghệ thuật, kể cả nghệ thuật thiêng liêng, tức “tác phẩm xuất phát từ nỗi khát khao khám phá bản chất thật của trải nghiệm trong ta”.
Daphne Astor: Điều gì về gốm sứ thu hút ông đầu tiên?
Rupert Spira: Năm 1975, tôi xem một cuộc triển lãm hồi tưởng về Michael Cardew’s tại Trung tâm Nghệ thuật Camden. Những chiếc bình gốm của Cardew cho cảm giác thô, tự nhiên và đầy sức sống mà tôi chưa từng thấy trước đây. Điều làm tôi ấn tượng là khả năng truyền tải của chúng.
Khoảng thời gian này, tôi bắt đầu tự làm gốm và khám phá thế giới của những hình dạng. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là, mặc dù kỹ thuật mà tôi sử dụng và những tác phẩm mà tôi tạo ra trông khá sơ sài, nhưng tác phẩm của tôi không có vẻ đẹp mà những chiếc bình kia đã truyền cảm hứng cho tôi. Vì vậy, tôi bắt đầu xem xét đồ gốm cổ trong tất cả các bộ sưu tập bảo tàng mà tôi có thể tìm thấy: Tzu chu, Mimbres, Shino, Oribe, Sung, Tang, Sawankhalok, Jomon, Koryu, Juan.
Lúc đó ông muốn tìm kiếm điều gì?
Những câu hỏi trong đầu tôi rất đơn giản và đầy thôi thúc: ‘Điều gì làm cho những chiếc bình này tuyệt vời đến vậy? Vẻ đẹp của chúng gồm những gì? Làm thế nào để có thể tạo ra những thứ như vậy? ’. Cứ sau những chuyến thăm như vậy, tôi lại trở về studio và sáng tác gốm.
Và ông lặp đi lặp lại quá trình này?
Đúng vậy, chu kỳ nhìn ngắm và sáng tác này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, chỉ có điều việc tôi nhìn vào cái gì, thì đã thay đổi.
Như thế nào ạ?
Tôi đã luôn đi đến nơi mà tôi nghĩ rằng có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi ban đầu của mình. Đầu tiên, tôi nghĩ rằng vẻ đẹp nằm trong những vật phẩm này, vì vậy tôi đắm mình trong các bộ sưu tập của bảo tàng ở bất cứ nơi nào tôi thấy trên thế giới. Tuy nhiên, khi tôi so sánh tác phẩm của mình với những tác phẩm này, tôi luôn thấy thiếu một cái gì đó.
Một trong những điều đầu tiên tôi nhận thấy là, bất chấp tôi có chủ ý gì, thì các tác phẩm luôn thể hiện rõ ràng thái độ của tôi dù thái độ đó tinh tế hay lộ liễu đến đâu. Trên thực tế, thái độ tiềm ẩn thường bị biểu lộ trên tác phẩm rõ ràng hơn nhiều so với ý tưởng ban đầu của tôi. Tôi bắt đầu nhận thức được sự tinh tế và sinh động trong ngôn ngữ của những hình tướng ba chiều, và để ý cách một vật thể biết đánh dấu các yếu tố cấu thành nên nó, như thể chúng khiến những cảm xúc này được hiện thực hoá. Tôi bị cuốn hút khi thấy các vật thể có khả năng tiết lộ lịch sử của mình và cách chúng có thể biểu đạt một cái gì đó vô hình nhưng lại rất gần gũi
Vì vậy, ông đã phải nhìn vào những gì nằm đằng sau hình thức vật chất?
Vẻ đẹp nằm trong mắt người nhìn, nhưng dường như nó cũng gắn kết với thứ được nhìn. Tôi nhận ra rằng để tìm ra vẻ đẹp, chứ chưa nói đến việc làm cho một thứ gì đó đẹp đẽ, cần phải hiểu mối quan hệ của chúng ta với hình tướng, và để làm được điều này, tôi cần quay trở lại từ đầu và tìm hiểu xem một vật thể thực sự là gì. Vì vậy, tôi bắt đầu rất đơn giản: ‘Hình tướng là gì, vật thể là gì?’
* * *
Điều này đã dẫn ông đến đâu?
Tôi không ưa lý thuyết, nên đã bắt đầu bằng kinh nghiệm của mình về thế giới khách quan. Tôi đã rất sửng sốt khi nhận ra sự trùng hợp vĩ đại khi tất cả các hiện tượng bên ngoài – hình dạng, âm thanh, chất liệu v.v. – đều phản hồi đặc biệt với những giác quan nhận thức chúng, với khả năng nhìn, nghe, cảm nhận, v.v. của chúng ta.
Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay các cơ quan cảm giác của chúng ta đã lập trình cách Hiện thực xuất hiện trước mình?
Những cơ quan cảm giác này có áp đặt các phẩm chất của chúng lên bất cứ thứ gì chúng tiếp xúc không? Và nếu vậy, thì trước khi bị các giác quan này áp đặt, thì vật thể nào tồn tại? Điều gì đang được trung chuyển thông qua các giác quan? Rõ ràng là có một thứ gì đó đang được trải nghiệm, nhưng nếu ta loại bỏ mọi phẩm chất được áp đặt bởi người nhìn, thì điều gì còn lại?
William Blake nói, “Mỗi con chim cắt ngang đường mây là một thế giới vô cùng thú vị được bao bọc bởi năm giác quan”. Vậy cái ‘Thế giới vô cùng thú vị’ được các giác quan truyền tải và thao túng theo đặc trưng của từng giác quan, nó là gì vậy? Điều thứ hai tôi nhận thấy là mặc dù tính khách quan của thế giới vật thể dường như không thể chối cãi, nhưng nó không bao giờ thực sự được trải nghiệm nếu không có nhận thức. Hơn nữa, rõ ràng là mọi đối tượng mà tôi cố gắng nghiên cứu đều luôn thay đổi một cách tinh vi, và nhận thức của tôi về nó trên thực tế lại là yếu tố ổn định duy nhất trong trải nghiệm của tôi.
Vì vậy, cuộc tìm hiểu của tôi về bản chất thực của một vật thể đã dẫn đến hai quan sát. Thứ nhất, nếu chúng ta loại bỏ bất kỳ đối tượng nào khỏi các đặc tính do tâm trí hay các giác quan áp đặt, để hiểu rõ bản chất của đối tượng đó mà không phụ thuộc vào kinh nghiệm của chúng ta về nó, thì những gì còn lại là một thứ luôn đang hiện diện, đồng thời không thể xác định và không thể tiếp cận.
Thứ hai, cái biết luôn hiện diện trong mọi trải nghiệm của ta về một đối tượng bất kỳ.
Mặc dù thực tế là như vậy, nền văn hóa của chúng ta đã khái niệm hóa sự tồn tại riêng biệt của các đối tượng độc lập với ý thức, mặc dù chưa ai trải nghiệm một đối tượng nào như vậy, phần lớn cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận lại là theo giả định này.
Làm thế nào để ông dung hòa hai quan sát này?
Tôi lý luận rằng nếu hai yếu tố này –
1.sự hiện diện của một đối tượng như chính nó và
2.cái biết mà trong đó nó hiện diện – là thành phần thiết yếu của mọi thứ
thì giữa chúng phải có một mối quan hệ.
Vì vậy, tôi bắt đầu khám phá mối quan hệ giữa cái biết và đối tượng của nó, giữa cái nhìn, nghe, cảm thấy và suy nghĩ và cái được nhìn, nghe, cảm thấy và suy nghĩ. Tôi lý luận rằng nếu có sự khác biệt giữa hai thứ này, thì giữa chúng phải có một giao diện hoặc ranh giới có thể cảm nhận được. Tôi đã tìm kiếm một ranh giới như vậy giữa chủ thể và đối tượng của nó, nhưng không thể tìm thấy.
Rõ ràng nếu mọi thứ được cảm nhận thông qua cái biết thì sự hiểu biết về cái biết này phải là điều kiện tiên quyết cơ bản cho sự hiểu biết về bất cứ thứ gì khác. Vì vậy, tôi bắt đầu tìm kiếm chủ thể của mỗi trải nghiệm, của ý thức, cho cái mà chúng ta gọi là ‘mình”, vì rõ ràng nó nắm giữ chìa khóa cho bản chất thực sự của một vật thể. Tuy nhiên, mặc dù tôi có thể tìm thấy nhiều thứ mà tôi quen gọi là bản ngã của mình, nhưng mỗi thứ này lại đòi hỏi cái biết phải hiện diện, và cái biết này, mặc dù không thể phủ nhận là hiện hữu, luôn thoát khỏi sự nhận diện.
* * *
Khi ông nói “Cái biết”, từ đó nghĩa là gì?
“Cái biết” đề cập đến cái có ý thức, cái mà trải nghiệm, cho dù bằng cách nhìn, nghe, ngửi, suy nghĩ, cảm giác hay bất cứ điều gì. Nó là sự hiện diện nhận thức trong mọi trải nghiệm. Nó cũng có mặt khi không có kinh nghiệm nào diễn ra. Thế giới không thể bị tách rời, ngoại trừ về mặt khái niệm, từ trải nghiệm của chúng ta về nó, và đối với mỗi chúng ta trải nghiệm đó hơi khác nhau. Nhưng mặc dù trải nghiệm của mỗi người luôn thay đổi, nhưng sự hiện diện của cái biết trong dòng trải nghiệm này là ổn định và nhất quán.
Ý nghĩa của điều này là gì?
Chúng ta thừa hưởng nhiều giả định về cái biết từ nền văn hóa của mình, và từ đó chúng ta xây dựng một mô hình tâm lý học cung cấp cơ sở cho mọi hoạt động và mối quan hệ của chúng ta và lập trình sâu sắc cho cách chúng ta diễn giải trải nghiệm của mình về thế giới. Tất cả các giả định đều bắt nguồn từ hai giả định chính sau: “đó là cái biết đến và đi”, và “cái biết là riêng tư nên do đó nó bị giới hạn”.
Nếu khám phá những giả định này, ta thấy rằng cả hai đều không thể xác thực được bằng trải nghiệm hoặc lý lẽ. Vì nếu tuyên bố rằng mình trải nghiệm được sự xuất hiện và biến mất của cái biết, thì ta đang ngụ ý rằng phải có một cái gì đó đang hiện diện để chứng kiến sự xuất hiện và biến mất này, và cái này sẽ chính là cái mà ta gọi là CÁI BIẾT.
Tương tự như vậy, nếu tuyên bố rằng chúng ta có thể thấy cái biết là giới hạn, thì cái mà đưa ra khẳng định này, cái mà trong nó giới hạn này xuất hiện, bản thân nó phải không có giới hạn. Vì vậy, cả kinh nghiệm và logic đều cho rằng cái biết không riêng tư và nó không biến mất.
Đó không phải là quan điểm mà khoa học đang nắm giữ.
Không, có một điều cấm kỵ lớn trong giới khoa học và trong nền văn hóa của chúng ta nói chung, điều cấm kỵ này chống lại khả năng rằng Cái biết mang tính toàn thể. Ngay cả tôn giáo của chúng ta, có nguồn gốc và mục tiêu đích thực là sự hiểu biết về bản chất toàn thể của ý thức, cũng bị thành kiến sâu sắc với khả năng này.
Và nghệ thuật?
Nghệ thuật là một kênh chính khác mà qua đó kiến thức này có thể được trải nghiệm và có sẵn. Cézanne nói, “Mọi thứ chúng ta thấy đều tan vỡ, tan biến. Mẹ tự nhiên luôn là như vậy, nhưng không có gì của Mẹ đến với ta mà còn mãi. Nghệ thuật của chúng ta phải thể hiện được sự rung động của vĩnh hằng và những phẩm chất của Mẹ, hình tướng trọn vẹn của Mẹ. Nghệ thuật phải cho ta hương vị của sự vĩnh hằng này của mẹ.” Cái “luôn là như vậy” trong mọi trải nghiệm là “cái biết”; còn mọi thứ khác, mỗi nhận thức, cảm giác hoặc suy nghĩ, thay đổi, biến mất theo từng khoảnh khắc.
Vì lý do này, nhiều người đã xa lánh trải nghiệm khách quan để có thể tiếp cận trực tiếp với sự hiện diện này của “cái biết”, tới “cái luôn là như vậy”. Tu viện là những học viện được thành lập cho mục đích này. Nhưng tôi cảm thấy người nghệ sĩ có một sứ mệnh đặc biệt. Anh ta phải sử dụng các yếu tố của thế giới khách quan, ” hình tướng của mọi thay đổi của Mẹ”, để khám phá và tiết lộ cái không thay đổi, tức “sự rung động vĩnh hằng của Mẹ”.
* * *
Vậy người nghệ sĩ có trách nhiệm đặc biệt?
Vâng chắc chắn. Tôi có thể nói rằng mục đích của một người nghệ sĩ là tiết lộ sự hiện diện này của cái biết thông qua phương tiện của các giác quan. Vì vậy, về mặt này người nghệ sĩ có trách nhiệm đặc biệt. Công việc của một nhà huyền học là khám phá bản chất của tự nhiên, nhưng nghệ sĩ còn được đòi hỏi nhiều hơn thế. Người nghệ sỹ còn phải cùng lúc biểu đạt các kết quả của sự khám phá này qua các hình thức. Vì vậy, vai trò của nghệ sĩ là cung cấp một cách mà sự hiện diện này có thể được tiếp cận và trải nghiệm thông qua các giác quan.
Công việc của nhà khoa học là cung cấp một mô hình thực tế, một mô hình thực sự của vũ trụ. Công việc của nghệ sĩ là cung cấp một phương tiện để có thể trải nghiệm thực tế này một cách trực tiếp. Tôi nghĩ đây là ý của Passolini khi ông nói về việc làm phim, “Tôi đang cố gắng khôi phục lại để hiện thực trở về ý nghĩa thiêng liêng ban đầu của nó”.
Vậy người nghệ sĩ có trách nhiệm gấp đôi?
Trách nhiệm đầu tiên chúng ta có thể gọi là suy tư. Đó là quá trình khám phá thế giới của hình tướng như mình trải nghiệm rồi phát hiện ra bản chất thực sự của nó, ở trách nhiệm này người nghệ sỹ đồng cảm với nhà huyền học. Trách nhiệm thứ hai liên quan đến việc trở nên thuần thục với phương tiện của mình để biểu lộ và từ đó chia sẻ kết quả khám phá này với những người khác.
Trong cái thế giới mà mọi thứ đang bị khái niệm hoá, bị phân tách và bị mở rộng trong không gian và thời gian, thì người nghệ sĩ phải tái hiện lại thế giới này đúng như nó là. Anh ấy phải diễn giải lại hình dung của chúng ta về thực tại đúng với kinh nghiệm trực tiếp để truyền tải ‘hương vị của sự vĩnh cửu’ này. Chúng ta có thể gọi trách nhiệm nhân đôi này là sự chiêm nghiệm và sự sáng tạo. Chiêm nghiệm là khía cạnh thụ động; sáng tạo là khía cạnh năng động. Đây là hai mặt không thể tách rời của ý thức.
Ông có cố gắng thể hiện điều này trong tác phẩm của mình không?
Bản thân cái biết không bao giờ có thể được định nghĩa hoặc tiếp cận một cách trực tiếp, chưa nói đến việc thể hiện, nhưng đồng thời nó cũng rất nhu thuận. Ta càng chú ý nó, nó càng để ý ta, có thể nói như vậy. Vì vậy, chúng ta không thể cố gắng diễn đạt nó; nhưng nếu chúng ta bỏ qua nó, nó sẽ không xuất hiện. Chúng ta phải đồng điệu với nó. Trên thực tế, chúng ta càng quan tâm đến nó, đến cái gì “luôn luôn là vậy”, nó càng thâm nhập vào nhận thức, suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, và do đó nó càng để ta biết mình cần làm gì. Nhưng không có chút nỗ lực nào để cố gắng và thể hiện điều này, hoặc bất cứ điều gì khác liên quan. Nỗ lực như vậy sẽ thành ra giả tạo.
* * *
Vậy bây giờ ông có bớt chú ý đến hình tướng không?
Không, hình tướng trở nên cực kỳ quan trọng. Khi mọi hình tướng biến mất, trong khoảng trống trong dòng trải nghiệm của chúng ta, cái biết trở nên nhận biết về chính nó ngay cả trong một khoảnh khắc, rồi lại bị tạm che đi bởi hình tướng tiếp theo. Tuy nhiên, có một số hình tướng mà nguồn cảm hứng của chúng, cố ý hay vô tình, lại đến trực tiếp từ cái biết – đó là từ tình yêu, vẻ đẹp, trí tuệ – và những vật thể này có một khả năng đặc biệt để tiết lộ không gian biết, nơi mà chúng sinh ra và biến mất. Mục đích của chúng là tiết lộ chứ không phải để che khuất nguồn gốc của chúng, giống như cách mà một bộ quần áo đẹp là một bộ quần áo biểu đạt hơn là để che giấu cơ thể.
Những thứ đến từ cái biết mà không bị bất cứ giới hạn tự áp đặt nào có thể được cho là nghệ thuật thiêng liêng. Chúng có sức mạnh để tiết lộ tính toàn thể của ý thức, sức mạnh phi thường của chúng nằm ở khả năng này. Điều tôi quan tâm là khám phá xem cần điều gì để tạo ra một thứ linh thiêng như vậy.
Ông có cho rằng nghệ thuật thiêng liêng luôn không có bản ngã?
Nghệ thuật thiêng liêng là tác phẩm được tạo ra từ mong muốn sâu sắc để khám phá bản chất thực sự của trải nghiệm của chúng ta, hoặc từ trực giác như thế. Vì vậy, nếu chúng ta đang cố gắng tìm hiểu xem mình thực sự là ai và thế giới thực sự là gì, thì việc đặt giả định hoặc đặt giới hạn là vô nghĩa.
Bản ngã là một giới hạn ta tự đặt ra đối với bản chất thực của mình, nó là cái tên mà chúng ta đặt cho cái biết khi cái biết này đồng nhất với phiên bản giới hạn hơn cái toàn vẹn của chính nó. Và các hiện tượng khách quan là một giới hạn ta tự áp đặt lên bản chất thực sự của thế giới. Cả hai giả thiết này đều phải tạm dừng để khám phá chân chính được diễn ra.
Nghệ thuật thiêng liêng đưa chúng ta vượt ra ngoài những giới hạn này, bởi vì nó được truyền cảm hứng từ những gì vượt ra ngoài chúng. Nếu một tác phẩm nghệ thuật được lấy cảm hứng từ những hạn chế, nó sẽ dẫn người xem quay về chính những hạn chế đó. Chúng ta có thể nói rằng một tác phẩm nghệ thuật giống như một lối đi; nó mang chữ ký của về nguồn gốc của nó. Chúng ta đi trên lối này với phương tiện là các giác quan.
Văn hóa của chúng ta không nhấn mạnh vấn đề thiêng liêng. Trên thực tế, chúng ta hầu như không biết thiêng liêng là gì.
Đúng là góc nhìn này đã bị văn hóa khách quan và sự hân hoan của chúng ta về những nỗi tuyệt vọng, vô vọng và cô lập.. làm cho lu mờ. Tuy nhiên, ngay cả khi không thể hiện rõ ràng trong nghệ thuật, thì sự thiêng liêng vẫn tồn tại rất nhiều trong vật lý hiện nay, có thể đây sẽ là lĩnh vực nghiên cứu chính trong thời đại của chúng ta.
* * *
Ông có nghĩ rằng các nền văn hóa phương Đông chú ý nhiều hơn đến nghệ thuật thiêng liêng?
Điều quan trọng là không được nhầm sự kỳ ảo với bí truyền. Tuy nhiên, đúng là, cho đến gần đây, sự linh thiêng không bị đàn áp ở phương Đông một cách hiệu quả như ở phương Tây, và vì vậy theo truyền thống, nó có sẵn hơn ở phương Đông. Tuy nhiên, tôi nghĩ đã có nhiều sự hiểu lầm về thế nào là thiêng liêng trong cả hai nền văn hóa.
Ví dụ, tôi nghĩ những người sáng lập phong trào Thủ công dân gian (Mingei) ở Nhật Bản cảm thấy rằng có một cái gì đó vô tư, toàn thể, trong những tác phẩm mà họ ngưỡng mộ. Một trong những điểm nổi bật của những phẩm chất này là sự thiếu vắng kỳ vọng, thiếu vắng sự loay hoay lúng túng, thiếu vắng nỗ lực phấn đấu. Nói cách khác, tác phẩm không xuất phát từ bản ngã, từ cảm giác bị tách biệt hay thiếu thốn. Với điều này tôi sẽ đồng ý. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng họ đã sai lầm khi gán sự vô tư này cho một nhóm người nhất định, cụ thể là những người nông dân thất học, khi liên kết tính chân thực trong nghệ thuật với những người không được học hành.
Để phản ứng lại sự đánh giá không thể chối cãi này về tính chân thực, và trong nỗ lực chính đáng để khắc phục sự cân bằng, một số nhà phê bình đương đại đã cố gắng khôi phục bản ngã với tư cách là tác giả hoặc nỗ lực nghệ thuật chân chính.
Nhưng nghệ thuật chân chính xuất phát từ sự trong trẻo, không phải từ cảm giác bị cô lập, tách biệt hay tuyệt vọng.
Tất nhiên, những cảm xúc như vậy thường cũng dẫn đến sự cởi mở và nhạy cảm vốn là nguồn gốc của sự sáng tạo, nhưng điều quan trọng là phải phân biệt được điều này, bởi vì nếu không, chúng ta có thể nghĩ rằng chính những cảm giác cô lập, tách biệt, hay tuyệt vọng.. này là nguồn gốc của sự sáng tạo.
Và rồi ta thấy mình được bao quanh bởi loại hình nghệ thuật tôn vinh sự tuyệt vọng uất ức, tầm thường, trống rỗng của một nền văn hóa mà mô hình của nó đã mất đi hiểu biết về tính thiêng liêng, về bất cứ khám phá chân chính nào về bản chất của thực tại.
Khi Messiaen viết Quartet for the End of Time tại một trại tập trung vào năm 1941, ông nói rằng mặc dù nỗi đau khổ lớn lao của ông đã gây ra một xáo trộn gì đó rất sâu sắc trong ông, tuy nhiên âm nhạc của ông chứa đựng tất cả những gì ông thực sự yêu thích.
* * *
Ông có nghĩ rằng nghệ thuật thiêng liêng thường được gắn liền với một tôn giáo, và nếu vậy thì ông nghĩ làm thế nào chúng ta có thể có nghệ thuật thiêng liêng thực sự trong thời đại phi tôn giáo của chúng ta?
Tôi sẽ không nói như thế. Trên thực tế, các tôn giáo rất giỏi trong việc đàn áp sự thiêng liêng và do đó đàn áp sự sáng tạo. Tuy nhiên, chính vì lý do đó mà kỷ nguyên của chúng ta có khả năng rất thú vị. Quan điểm này ngày càng trở nên phổ biến, một phần được hình thành bởi vật lý hiện đại và một phần bởi những người đã tìm hiểu sâu về các nền văn hóa khác, nơi mà sự hiểu biết này chưa bị dập tắt thành công.
Phần lớn kiến thức này cho được lưu giữ cho đến gần đây ở phương Đông và, sau khi ta loại bỏ các âm hưởng văn hóa truyền thống của nó, đã chia sẻ nhiều hiểu biết đáng chú ý với vật lý học đương đại. Đồng thời, không có giới hạn nào áp đặt cho các nghệ sĩ về những gì họ nên và không nên làm, vì vậy đây là những điều kiện màu mỡ.
Tôi chắc chắn không có ý rằng cách tiếp cận này không có trong Cơ đốc giáo. Tôi nghĩ bức hoạ The Resurrection của Piero della Francesca là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của sự hiện diện được đánh thức, sự nhạy cảm cá nhân và sự rõ ràng mãnh liệt trong nghệ thuật phương Tây. Tuy nhiên, có nhiều bức tranh khác về Chúa Kitô mà chủ đề thực sự không vượt ra ngoài câu chuyện riêng tư của một cá nhân. Họ không có cảm giác thân mật siêu việt nào đặc trưng cho nghệ thuật thiêng liêng.
Tôi nghĩ rằng một số bản vẽ của Morandi rất mạnh mẽ. Ông không bắt đầu với một đối tượng và sau đó cố gắng chia nhỏ nó ra, hay trừu tượng hóa nó. Cách tiếp cận đó cuối cùng lại củng cố nhận thức ban đầu về đối tượng, vì để giải mã cấu trúc một cái gì đó, trước tiên chúng ta phải giả định sự tồn tại của nó. Morandi bắt đầu với một ẩn số thực sự. Ông ấy không vẽ một vật thể, cũng không vẽ không gian xung quanh nó, vì cả vật thể và không gian đều là những thứ chồng chất lên ý thức. Ông đã vẽ khoảnh khắc nhận thức đó trước khi không gian và vật thể được khái niệm hóa một cách nhân tạo. Chúng được mô tả như hai khía cạnh không thể tách rời của khoảnh khắc nhìn thấy. Tôi nghĩ chúng rất thiêng liêng.
Ông có coi mình là một nghệ sĩ không?
Nếu vai trò của một nghệ sĩ là khám phá những gì họ đang có trong thực tế, thì việc xác định trước thực thể đang được kiểm tra sẽ không có ý nghĩa gì. Một nhãn hiệu như vậy sẽ giới hạn phạm vi khám phá của mình vào một số lĩnh vực được xác định trước, và khám phá chân chính sẽ bị hạ xuống đơn thuần là khẳng định lại định kiến cũ một cách mới mẻ.
Vì vậy, nếu thuật ngữ “nghệ sĩ” có bất kỳ liên quan nào, nó có thể được sử dụng để xác định một ý định hơn là một loại người. Tôi tin rằng William Blake đã đồng điệu với ý này khi nói, “Một nghệ sĩ không phải là một loại người đặc biệt, mà đúng hơn là con người trong một loại nghệ sĩ đặc biệt”. Ý của ông ấy là con người là một trong những phương tiện mà qua đó cái biết có khả năng nhận biết chính nó. Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi của bạn là tôi không coi mình là một nghệ sĩ, bởi vì tôi thực sự không biết tôi là ai hay cái gì.
Làm thế nào để ông biết khi tạo ra một tác phẩm gốm tốt?
Có những khoảnh khắc tâm trí chỉ đơn giản là mở ra mà không có chủ đích. Những khoảnh khắc này xảy ra thường xuyên, nhưng thường không được chú ý vì chúng rõ ràng không có nội dung. Khoảng thời gian như vậy có thể xảy ra vào cuối bữa ăn với bạn bè, khi mọi người đều hài lòng và cuộc trò chuyện tạm lắng. Vào lúc đó, tâm trí đang cởi mở, không tập trung. và luồng suy nghĩ tiếp theo vẫn chưa xuất hiện. Nếu ánh mắt tôi rơi vào một cái bát lúc đó, cái bát như sẽ trở nên trong suốt, hiển thị rõ ràng và sống động những gì đã tạo ra nó.
Tôi thấy điều này trong chính cơ thể mình. Một khoảnh khắc như vậy có thể không để lại mấy ấn tượng trong tâm trí ngoài “có” hoặc “không”; đơn giản nó là một sự nhận ra thôi. Tuy vậy, sự chắc chắn nảy lên từ khoảnh khắc này thì không thể nghi ngờ được; điều này là bất khả tư nghì, khó mà bàn tới hay cần phải bàn tới.
Ông nghĩ vẻ đẹp có liên quan gì đến nền văn hóa của chúng ta, khi những vấn đề cấp bách hơn dường như đang đe dọa đối với hầu hết mọi người?
Nếu chúng ta nhìn sâu vào nguyên nhân của sự cô lập, sợ hãi, tuyệt vọng, đau khổ, nguyên nhân của chúng có thể bắt nguồn từ niềm tin và cảm giác rằng cái biết là riêng tư cá nhân và có giới hạn. Khi cái biết được giải phóng trong chốc lát khỏi giới hạn tự áp đặt này, nó trải nghiệm bản chất vô hạn của chính nó; và vẻ đẹp, tình yêu và trí thông minh là những biểu hiện của trải nghiệm này. Chính từ một trải nghiệm như vậy mà nguyên nhân sâu xa của đau khổ được xác định.
Với lý do này, tôi muốn nói rằng vẻ đẹp không chỉ phù hợp trong nền văn hóa của chúng ta, mà nó là điều cần thiết. Trên thực tế, tôi sẽ đi xa hơn và nói rằng càng có nhiều bất công, bất bình đẳng và đau khổ trong một nền văn hóa, thì càng cần có nhiều nghệ sĩ sáng tạo chân chính, càng cần những người nhạy cảm với tính toàn thể của ý thức, và càng cần những người có khả năng thể hiện điều gì cho thấy sự uy nghiêm của nó.
Cuối cùng thì không có từ nào có thể mô tả điều này bởi vì tất cả các từ đều là khái niệm, và chúng ta đang nói về trải nghiệm trực tiếp. Đó là lý do tại sao thật là quan trọng để tạo nên những thứ đẹp đẽ. Trên thực tế, ý niệm về thực tại của một nền văn hóa càng mang tính khái niệm và trừu tượng, thì việc có được những nghệ sĩ giỏi càng trở nên quan trọng.