“Chị ơi hiểu thế nào về giới, định, tuệ? Có người nói tôi đã thiền định và giờ chuyển sang tầng thiền tuệ, các tầng thiền nghĩa là sao…?”
Nếu quan tâm tới giác ngộ, thì các tầng thiền chỉ là cách nói để giúp người ta hiểu ra mình đang làm gì, chứ không phải là tiến trình. Sự giác ngộ có thể đạt được lập tức mà không phải qua từng giai đoạn.
Dù có sự chia ra và đặt tên thì cũng là để có cách gọi mà thôi.
Ví dụ với tâm trí còn quá lao xao thì các thực hành chú tâm quán trụ vào hơi thở, tụng niệm.. là hình thức khởi động tốt để dẫn dắt và giúp làm quen với sự thả lỏng, tĩnh tại.
Nhưng thực tế là nếu không hiểu thì sẽ miệt mài “khởi động” mãi… và tưởng lầm rằng khởi động nhuần nhuyễn đến cấp độ như này như khác thì sau đó mới chuyển sang quan sát tỉnh biết (tuệ) được. Mà như thế tức là không hiểu rằng, thực hành bám trụ vào một đối tượng nào đó như hơi thở, nhịp tim, năng lượng..v..v lại càng củng cố cho thói quen níu giữ, kìm nắm, kiểm soát. Thay vì trước đây khi chưa thực hành thì kìm nắm níu giữ kiểm soát loạn xạ rất nhiều đối tượng (cảm xúc, suy nghĩ, hoàn cảnh..) mỗi đối tượng một ít, thì bây giờ tổng tập trung vào kiểm soát thật lực 1 đối tượng tâm mà mình chọn (hơi thở, năng lượng, suy nghĩ, thân..v.v.).
Điều này đối nghịch hoàn toàn với BUÔNG để thấy ra sự thật (giác ngộ).
4 tầng thiền (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền) đều là những cảnh giới mà đức Phật đã đạt được với các thầy của mình, và NHẬN THẤY ĐÂY KHÔNG PHẢI GIÁC NGỘ.
Nhưng người ko hiểu sẽ nghĩ: à, phải thực hành đạt được định hay 4 cái tầng này trước rồi mới chuyển sang quan sát (tuệ). Tức là hiểu sai kinh điển và quan trọng hơn, là không dám tin vào cảm nhận trực tiếp của mình.
Có hai cách để nhìn nhận giới, định, tuệ..
Một, đây là các cách để bày cho những người có trình độ tiếp thu khác nhau: hành xử ra sao để có cuộc sống đỡ va chạm làm khổ mình và người (giới), có những khoảnh khắc giảm bớt lao xao trong tâm trí (định), và sống trong sự thật, tỉnh biết (tuệ)
Ví dụ như, một người mà tâm trí còn quá bấn loạn, mối quan tâm duy nhất là sinh tồn tranh giành hơn thua bất chấp thủ đoạn (cướp, giết, hiếp, trộm cắp, gian dối v.) .. thì chỉ được để họ không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không uống rượu, không gian dâm..v.v. thì đã là hướng được cho họ về cách sống đỡ gây hại cho chính mình và người xung quanh, từ đó mà cuộc sống của chính họ đỡ được các phiền toái khổ đau không đáng có.
Người nào đã thôi không còn mưu cầu giành giật đấu đá với người khác bằng mọi giá, nhưng vẫn muốn phải chế ngự bản thân, đạt được cảnh giới này kia trong tâm (bình an, đạt định v.v.), và/hoặc tâm trí vẫn chưa buông được nỗ lực thì được chỉ dạy thực hành hướng tâm trí vào quán tưởng một chỗ như niệm chú, trụ vào hơi thở..v.v. (định)
Người nào muốn tìm ra sự thật, muốn thấy chân lý, muốn biết về bản chất của chính mình và hiện thực thế giới, dù phải đánh đổi bất cứ giá nào, thì họ sẽ không còn chê bai sự dễ dàng nữa. Họ sẵn sàng buông đi nỗ lực kiếm soát của ý chí, (buông nỗ lực ý chí chính là chánh tinh tấn), và thử tỉnh biết quan sát tâm một cách tự nhiên không nỗ lực, và tự thấy ra bản chất tánh không (tuệ).
Đấy là Giới, Định, Tuệ xét về phương diện thực hành theo căn cơ mỗi người
Cách hai để hiểu về Giới, Định, Tuệ:
với ai đã nhận ra sự thật, hoặc đang nhìn /là mọi thứ từ tánh không, khoảnh khắc đó:
là một hoà đồng và tuỳ thuận không tranh chấp (giới)
tĩnh lặng tự nhiên (định)
và thấu suốt thấy mọi thứ như là (tuệ).
Bất cứ ai, không cần biết cấp độ tu hành, tuổi tác, giới tính, hay nhận thức, bằng cấp, đều lập tức là cả 3 giới, định, tuệ cùng lúc, khi họ trở về sự nhận biết trong sáng hồn nhiên lúc này bây giờ.
