Hai mặt của một tờ giấy

Xin cho em hỏi sự tương quan giữa người quan sát và đối tượng được quan sát ạ? Vì em có đọc được câu: “người quan sát và đối tượng quan sát không phân chia được”, “không có người quan sát, không có đối tượng quan sát”….Ở mức hiểu biết của em, thì vẫn đang nhị nguyên, tách biệt rõ ràng 2 đối tượng ạ.

Việc tách biệt rõ ràng Thứ quan sát và Đối tượng được quan sát.. chỉ nhằm mục đích làm điểm tựa ban đầu cho người còn quá đắm chìm và bị cuốn theo thế giới hiện tượng. Chứ bản chất là không có sự tách biệt này.

Giống như sóng và nước tuy là hai, nhưng thực ra là một. Sóng sinh ra từ nước, sóng mất đi hay thay đổi hình dạng thì vẫn luôn là nước. Cũng như thế, đối tượng dù thay đổi, đến hay đi, thì tánh biết luôn ở đó. Khi đã nhận ra được các hiện tượng sinh diệt đến đi liên tục, thì lợi ích của điểm tựa ban đầu này là người thực tập thôi không còn bị cuốn theo, thôi không còn đấu tranh với các suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác đến và đi nữa.

Giống như một ai đó đã tả lại: “Trước đây khi đánh đồng mình với mọi hiện tượng, tôi lúc nào cũng như đang phải vùng vẫy cố thoát ra khỏi dòng sông, bấu víu, đánh nhau với mọi thứ trên dòng sông đó. Còn giờ khi quan sát / thấy biết mọi hiện tượng đến rồi đi, tôi như người đứng trên bờ nhìn dòng sông chảy xiết cuốn theo bao cành cây và đồ vật, đẹp có, rác rưởi có.. nhưng tôi không thấy mình là chúng, phải theo chúng hay phải đánh nhau với chúng.”

Việc tách ra làm người quan sát và đối tượng quan sát chỉ là bước sơ khởi. Nếu thực sự quan sát đến cùng, điều tra đến cùng về tung tích của “người quan sát”, em sẽ không thể tìm thấy ai cả. Đó là lý do Như Là tổ chức các buổi thực tập “Ta đâu nhỉ?” để hỗ trợ mọi người tự điều tra tới điểm này.

Nhiều người hiểu một cách lý thuyết về sự bất nhị, nhưng về mặt cảm giác thì vẫn không thấy vậy, như em đã thú nhận. Mặc dù trước đây thì không bao giờ thấy phải tách mình ra, vẫn biết vẫn nghe vẫn thấy hỉ nộ ái ố và bị cuốn theo ngọt xớt không chút băn khoăn nào về đối tượng được quan sát hay người quan sát. Còn giờ khi không đồng hoá mình với các hiện tượng, thì lại có “việc để làm” là “tách mình ra”, bản thân nó cũng là một nỗ lực tinh vi của ngã.

Đây chính là điểm “BẪY” rất dễ rơi vào của phương pháp tách biệt cái thấy và đối tượng được quan sát, một công cụ ta nhấc lên để đạt được mục tiêu ban đầu, sau đó cần đặt xuống khi không còn cần tới nữa. ‘Trong nghe chỉ nghe, trong thấy chỉ thấy..”, vậy là đủ.

Còn nếu muốn điều tra và tự thực nghiệm, em có thể thử kiểm nghiệm như sau: Ví dụ lấy cảm giác sinh ra khi mông chạm ghế là 1 đối tượng được em nhận biết.

1. Nếu không sử dụng tâm trí và khái niệm về kia là “ghế”, đây là “mông”. Cho chị biết cảm giác mà em đang có, nó là 1 hay là 2? Có sự phân biệt gì về “ghế” và “mông”, “đây” và “kia” không?

2. Cái cảm giác em cảm nhận được, có khoảng cách bằng bao nhiêu/bao xa với cái biết? Cái cảm giác em cảm nhận được, có chút khoảng cách nào so với em không?

Đơn giản và trực diện hơn nữa, khi có cơn gió thổi đến, em thấy mát. Cái mát đó hoàn toàn lập tức, tự nhiên, không hề có sự tách mình ra để thấy đây là mình, còn kia là mát 😊

Mát, là thứ duy nhất hiện hữu, trong đó đã gồm cái biết.

Chỉ khi em suy nghĩ/ trao đổi cho người khác: “Tôi thấy mát” thì mới có “tôi” và đối tượng “mát” mà thôi.

Mình làm bài tập trên mỗi ngày. Dù không còn phân biệt ghế và mông, chỉ còn một cảm giác duy nhất, tuy nhiên mình vẫn cứ cảm nhận cảm giác ấy nó ở bên dưới. Như khi làm bài tập sờ má và chân, mình vẫn cảm giác má thì gần và chân thì xa dù mình quan sát được là lúc đó mình không nghĩ gì.Nghe tiếng chim mình cứ ngay lập tức biết nó ở bên trái hay phải, hoặc là đằng sau. Ngay lập tức luôn và nó cứ giữ cảm nhận ấy không khác đi được.Mình đoán là do mình vẫn còn giữ sự ghi nhớ, phân tích, nhưng không biết phải làm sao bỏ nó ra.Mình cứ làm tiếp bài tập này dần dần sẽ hiểu được điểm này hay sao? Cảm ơn bạn.

Vậy câu hỏi tiếp theo để bạn chiêm nghiệm là: Má gần với cái gì, Chân xa với cái gì?

Tiếng chim ở bên phải hay bên trái cái gì?

Nhớ thả lỏng và đừng chú tâm vào đâu cả.

Nhiều người họ nhíu mày chú tâm vào trán nên họ tưởng họ là cái trán, mọi thứ xoay quanh, xa gần so với cái trán của họ 😅

Tham gia đặt câu hỏi và trao đổi tại Nhula.net

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s