Em còn một vấn đề mà em không biết có phải hiểu lầm hay không đó là muốn quan sát mình thì cần tách biệt mình khỏi môi trường sống chung quanh. Khi quan sát mình em thấy mình làm việc chậm lại thậm chí bị bỏ sau ảnh hưởng công việc chung, mất rất nhiều năng lượng, công việc chậm lại, mỗi lần tập trung quan sát xong một chuỗi hành động như nấu một bữa ăn chẳng hạn em chỉ muốn nằm ngủ 1 giấc cho nhẹ đầu. Dần dần em sợ, em bỏ bê quan sát mình.
Em quan sát như vậy là hiểu lầm rồi, thật may là em đã hỏi lại.
Có thể chữ “quan sát” giúp ích một số người này, nhưng với một số người khác thì lại phải dùng từ khác để hiểu đúng hơn.
Em thử thay từ “quan sát” bằng từ “thấy biết”.
Khi em đang ngồi làm việc, bỗng có tiếng động từ đâu tới. Em hoàn toàn vẫn đang làm việc và vẫn THẤY BIẾT tiếng động này. Không có sự chuẩn bị, không cần tách biệt cái gì hết. Cái biết đó nó tự nhiên nhẹ nhàng và phi nỗ lực, thậm chí không cần có chút tập trung nào.
Việc em mô tả “Mỗi lần tập trung quan sát xong một chuỗi hành động như nấu một bữa ăn chẳng hạn..”, phản ánh sự thực hành sai, cần hiểu lại như thế này:
1. Thấy biết không có nghĩa là tập trung: Nếu có bất cứ sự tập trung nào, thì đó không phải là cái thấy biết tự nhiên, mà có chủ ý, có hành động, có tham vọng, có sự “kẹt” trong đó rồi.
2. Thấy biết không có nghĩa là lên kế hoạch hay có tổ chức: Nếu phải tổ chức, lên kế hoạch, theo dõi tỉ mỉ từ bước này sang bước kia.. thì đó không phải là cái thấy biết tự nhiên, mà là có chủ ý, có sự tính toán, có nỗ lực, và có kiểm soát trong đó rồi.
Từ hai cái hiểu sai này mà việc thấy biết tự nhiên trở thành một công trình động não đầy nỗ lực, đi ngược lại với sự thấy biết tự nhiên không có bất cứ nỗ lực hay chủ ý gì, càng không dõi theo hay bám trụ vào đâu. Chính vì lao động nỗ lực như thế mà em bị mệt, cũng rất may là em đã bỏ bê sự lao động tính toán này và nghe theo sự tự nhiên trong mình. Cái gì khó quả là mình làm cái đó sai
Khi em đọc những dòng chữ này, em có biết mình đang đọc không?
Có cần dừng lại để chiêm nghiệm, quan sát, dõi theo.. thì mới biết không?
Hay cái biết này nó là đương nhiên, tự nhiên?
Khi em cười em có biết mình đang cười?
Khi em buồn em có biết mình đang buồn?
Tất cả những điều này thật tự nhiên, ai cũng làm được mà không cần phải nỗ lực hay theo dõi gì hết.
Từng có một học viên là tiến sỹ khoa học, học đi học lại vài ba khoá, rồi quyết định nhắn tin hỏi vì sao càng quan sát càng căng thẳng. Hỏi ra mới biết thay vì để mọi thứ đến và đi tự nhiên như gió như mây, người ấy túm cái vừa đến, đưa nó vào quan sát THẬT KỸ, ghi nhớ từng chi tiết theo thói quen nghiên cứu khoa học. Từ đó mà căng thẳng.
Với sự thấy biết tự nhiên, thì biết là đủ rồi, không cần phải nhớ, theo dõi, phân tích, nhận ra, gọi tên hay mô tả được nó.Như khi em ngồi chơi với bạn bên quán nước và em nghe biết có nhiều âm thanh đường phố, tiếng rao nọ lẫn tiếng xe kia, vậy là đủ.
Em biết bạn ngồi, biết mình nói, biết trà nóng, biết tiếng ồn.. Còn vì sao, cái gì trước cái gì sau, chi tiết từng thứ như thế nào.. hãy để nó tự nhiên.
Biết thì biết, không biết thì không biết.
Không có nỗ lực hay kế hoạch nào hết.
Nếu em bị mắc vào thói quen làm gì cũng phải tập trung cao độ, hãy thử tập nhìn xa xăm.
Việc phóng tầm mắt ra xa như khi ta đang ngắm núi đằng chân trời.. sẽ giúp em trở về lại trạng thái như là, chả dõi theo cũng chả chú tâm vào cái gì sất, mà lại thấy mọi thứ.Mềm ánh mắt, để tầm mắt bao quát xa xăm, không có nghĩa là lờ đờ u u mê mê. Trái lại, đó là sự thấy biết thư thái, tự nhiên, tỉnh táo nhưng hoàn toàn thả lỏng.
Còn trong cuộc sống hàng ngày, khi nào em cần tập trung thì cứ tập trung, thực ra dần dần em sẽ thấy, những khoảnh khắc cần tập trung rất ít.
Tỉnh táo càng không có nghĩa là phải kẹt vào một chi tiết, thực tế là đi trên đường nếu quá theo dõi chú ý một chiếc xe nào đó trước mặt, thì lại dễ bị va quệt vào xe khác ở bên hông. Sự “tập trung” vào đối tượng này trở thành sự mất tập trung vào đối tượng khác. Của thiên lại trả địa vậy thôi