Làm sao để nhìn ra bản chất thật của mọi thứ? Hay là những bài thực hành như thế nào thì giúp mình nhìn ra được ạ? Huhu, em đau khổ vì tâm trí của mình nó chạy như ngựa í, và ko biết làm sao làm chủ được nó hay có thể bình thản với nó ạ?
Làm sao nhìn ra bản chất thật của mọi thứ?
Đây là câu hỏi lớn của nhân loại, từ những nhà khoa học cho đến những người tu hành, chung quy lại những thứ họ đang tìm cũng là “bản chất thật của mọi thứ”.
Để tìm kiếm bản chất chân thật của mọi thứ, nhìn chung đa số mọi người sẽ hướng ra bên ngoài, nhìn vào khách thể để tìm bản chất, nghĩa là muốn tìm hiểu vật gì, hiện tượng gì, thì họ phân tích mổ xẻ vấn đề/hiện tượng/ vật thể đó xem nó được cấu thành bởi cái gì, được sinh ra từ đâu. Ví dụ thấy một ai đó ngứa mắt, thì sẽ tập trung vào người đó để phân tích, mổ xẻ, tìm hiểu xem người đó được cấu thành bởi cách nuôi dạy gì, có lịch sử cuộc sống ra sao, bạn bè xung quanh họ như thế nào, thói quen của họ là gì, hình thức, tư duy họ có gì..v.v.
Muốn hiểu về hiện tượng nào đó, hay sự vật nào đó, người ta cũng tìm cách mổ xẻ, chẻ nhỏ, bóc tách để tìm xem thứ gì làm nên vật đó. Đương nhiên càng tập trung vào mổ xẻ thì càng tốn kém, hao sức, hao tiền. Các nhà khoa học trong nhiều thế kỷ đã bỏ hàng tỷ đô la để sáng chế những công cụ mổ xẻ tinh vi nhất, hòng tìm ra bản chất thật sự của vật chất. Và tới giờ, câu trả lời vẫn không làm thoả mãn họ. Từ cổ chí kim, chỉ một số rất ít người tìm bản chất thật của mọi thứ theo cách hướng vào bên trong, tức là nhìn vào chủ thể, thứ đang cảm nhận mọi hiện tượng/vật thể để nhận ra câu trả lời.Ví dụ, thấy một người A ngứa mắt, thay vì hướng vào người A và phân tích mổ xẻ, họ quay vào trong chính mình, nhận biết sự ngứa ngáy của mình, ghi nhận những nỗi khó chịu đang nổi lên trong mình, ghi nhận mọi suy nghĩ đang kéo tới.. Từ đó mà nhận ra sự thật.
Thấy sự bất bình – biết có sự bất bình
thấy sự bất an – biết có sự bất an
thấy không bình thản – biết có sự không bình thản
thấy hoang mang – biết có sự hoang mang
thấy sốt ruột – biết có sự sốt ruột
Tất cả điều này được thực hiện không vì mục tiêu kiểm soát, khống chế, điều khiển nào cả.
Đơn giản là một sự nhận biết trong trẻo vô tâm và không có chủ đích.
Điều này giống như khi ta chợt thấy cảnh thiên nhiên, nghe tiếng chim biết có tiếng chim chứ không phải nghe tiếng chim liền tìm cách làm sao để bắt nhốt, làm sao để chim hót to hơn hay để chim im tiếng.
Thấy bông hoa biết có bông hoa, chứ không phải tìm cách làm sao để thích bông hoa, làm sao để hoa đẹp hơn theo ý mình. Nếu có sự thích thú hay chán nản nảy lên thì cũng biết vậy. Vậy thì đối với tâm mình cũng như thế, biết là đủ.
Khi biết cái biết đó đủ lâu (vài giây..), đủ thường xuyên (dăm ba lần).. ta sẽ bắt đầu nhận ra một sự thật quan trọng: đó là mọi thứ đến và đi liên tục.
Mọi thứ, không chỉ công danh, sự nghiệp, các mối quan hệ, mà bất kể là cái sự bấn loạn, hung hăng, đau khổ, ghen tị, hay suy nghĩ ngược xuôi… cũng đều đến và đi chứ chả ở lại với mình.
Ngược lại, khi hướng ra bên ngoài và tìm cách giao lưu với các hiện tượng cảm xúc, suy nghĩ, thì chúng như sóng nước được mình thò chân tay vào khuấy động, chúng vẫn liên tục sinh diệt và sẽ càng sóng sánh thêm. Giao lưu nghĩa là tìm cách phân tích, kiểm soát, khống chế, suy diễn, chối bỏ, lờ đi..v.v.
Vậy nên ở với cái biết dù chỉ vài giây, quay đầu đã là bờ. Còn mà hướng ra ngoài để khống chế loại trừ kiểm soát phân tích hay chối bỏ lờ đi.. thì dù nỗ lực mấy ngàn năm, dù cho nắm được rất nhiều lý thuyết, dù cho tích luỹ được thật nhiều kinh nghiệm, kiến thức, dù cho hiểu biết về vạn vật trên thế gian viết ra cả mấy kho sách không đủ.. thì vẫn không nắm được sự thật cao nhất.
Cổ nhân nói: ‘Hướng ngoại để công phu, toàn là bọn ngu xuẩn.”
Tổ Lâm Tế
Tại sao nhận ra “Mọi thứ đến và đi liên tục” lại quan trọng?
Giống như một đứa trẻ đòi buộc được gió và khóc lóc đau khổ khi cục đá lạnh tan chảy ra.., thì đa số nỗi khổ niềm đau của con người cũng ngây thơ và đáng yêu y như vậy.
Đơn cử như câu này: “Huhu, em đau khổ vì tâm trí của mình nó chạy như ngựa í, và ko biết làm sao làm chủ được nó hay có thể bình thản với nó ạ.”
Câu này dịch ra ngôn ngữ của đứa trẻ, là “Huhu, em đau khổ vì gió nó chạy như ngựa í, và không biết làm sao làm chủ được nó hay có thể bình thản với nó ạ”.
Khi ở với cái Biết lâu và thường xuyên hơn nữa, thì đến một lúc người ta sẽ nhận ra: mọi thứ đến và đi đều không phải mình. Mình không phải cái mình tưởng bấy lâu, không phải là danh nghĩa này, chức vụ kia, tên gọi nọ, cũng không phải tính cách này, hình thức đó, cũng không phải là có bao nhiêu tiền trong tài khoản, có người yêu hay không có người yêu, thất bại hay thành công cũng không phải nốt, cơ thể này cũng không phải mình, suy nghĩ này, sáng tạo này cũng không làm nên mình..
Không còn bám víu, vướng mắc vào tâm trí và các vọng tưởng, lúc này một người làm chủ chứ không còn bị giật dây bởi tâm trí nữa.