“Nhàn cư vi bất thiện”
Rảnh rỗi không có gì làm thì hành động sẽ không lương thiện – Câu này hay được dùng để ám chỉ những người ăn không ngồi rồi, rảnh quá nên hành động thường đem tới điều rắc rối, thiếu thiện lành cho bản thân và những người xung quanh.
Cùng lúc đó chúng ta lại có câu “Không làm gì mà không gì không làm” (Lão Tử) – hàm ý rằng tuy không can thiệp, kiểm soát nhưng mọi thứ tự chúng vận hành. Câu này nổi tiếng, nói về tinh thần vô vi của một người hiểu đạo, có trí tuệ, tức là đã vượt trên kiến thức thế gian, hay nhu cầu can thiệp, sở hữu và kiểm soát thông thường. Người này tuy không tham cầu kiểm soát (không làm gì) nhưng lại là người toả ra điều lành thiện cho chính mình và xung quanh.
Nhìn bề ngoài thì cả hai người đều có vẻ nhàn nhã, nhưng ai tinh ý sẽ thấy được ẩn sau cái “nhàn” đó là ung dung tự tại hay lăng xăng bất an.
Vậy thì điều gì dẫn tới sự khác biệt giữa hai người trên? Cùng “không làm gì” “nhàn cư”, vậy sao một người vi bất thiện còn một người thì vô bất vi?
Đầu tiên, cùng Ly thử làm một trắc nghiệm vui nhé.
Thời gian rảnh rỗi của bạn thường được dùng làm gì?
1. Nghiên cứu, mua bán, tập luyện, sử dụng các loại vũ khí gây sát thương
2. Tìm kiếm gặp gỡ bất cứ ai để than vãn, trăn trở, trách cứ, bình phẩm..v.v.
3. Hóng chuyện thiên hạ, người nổi tiếng, tham gia các nhóm tán gẫu, bóc phốt, bình phẩm chuyện trên trời dưới biển, chính trị, kinh tế v.v.
4. Shopping như một sở thích tiêu tiền, nhìn xem đông tây có gì hay ho kỳ lạ để mình mua, mua để giết thời gian và có sự phấn khích chứ thật ra không cần.
5. Nghiên cứu sâu các thuyết âm mưu, tìm hiểu ngọn ngành, lần ra dây mơ rễ má các tin tức giật gân .. như một cách để bồi bổ kiến thức, trang bị hiểu biết
6. Nghiên cứu, mua bán, và sử dụng các chất kích thích để được hưng phấn, thư giãn, quên đời, có cảm giác lạ, thăng hoa..v.v.
7. So sánh cuộc sống/gia đình/vợ chồng/ con/mình và những người xung quanh, thấy ai hơn thì tìm cách đổ tại hoặc tự tạo áp lực trang bị để gia đình/ chồng vợ/con/mình cũng được như thế
8. Nghiền ngẫm về tương lai xa, tự ngồi nghĩ ra và lên kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ cho nhiều năm sau để biến ước mơ và hoài bão thành sự thật
9. Đọc, xem các tiểu thuyết, câu chuyện, phim ảnh ngôn tình ngang trái, cung đấu, bạo lực, ân oán giang hồ, nợ máu trả máu, phản ánh sự thống khổ bệ rạc tù túng của kiếp người v.v.
10. Chủ động ngó nghiêng, để ý tới những người thân, bạn bè quanh mình. Thấy ai đang sống vô nghĩa, chậm tiến, ăn mặc khó ưa, tình duyên lận đận.. thì liền tìm cách góp ý, khuyên nhủ, lân la bắt chuyện để hỗ trợ giúp đỡ
11. Dẫn dắt hoặc tham gia ném đá, mỉa mai, thể hiện sự phẫn nộ tới những phần tử tội phạm, đáng ngờ, độc hại, lệch chuẩn, chưa đủ hoàn hảo của xã hội
12. Dẫn dắt hoặc tham gia tranh đấu, chỉ trích, kích động, vùi dập, mỉa mai, lên án, đả kích bất cứ ai đang không thiện lành, ăn chay, bảo vệ môi trường, sống trong sáng, một vợ một chồng, kiếm ra tiền, đóng góp cho xã hội, đẹp, không đẹp, phát ngôn thiếu thận trọng, quảng cáo trá hình, rao giảng đạo lý, bạo hành, dâm ô, khoe từ thiện, không khoe từ thiện v.v.
13. Nghĩ ngợi, trăn trở với thời cuộc và cuộc sống của chính mình, bao vấn đề được bật ra trong tư tưởng và bao nhiêu cách giải quyết cũng được bật ra trong tâm trí. Nhưng vấn đề nọ đánh cách giải quyết kia, cứ như thế trăn trở mãi không nguôi.. Càng nghiền ngẫm càng thấy xã hội suy đồi xuống cấp, cuộc sống của mình bế tắc không lối thoát.
14. Đắm chìm, say mê vào những học thuyết khác nhau về nhân sinh, vũ trụ, sức khoẻ, kinh tế, văn học, lịch sử, nghệ thuật, môi trường.. Nhìn đâu cũng thấy cuộc sống qua các lăng kính của những học thuyết đó. Lại có rất nhiều trăn trở, lại thấy nhiều việc phải làm.
15. Tra cứu tình hình thế giới, đọc báo, xem tin tức, làm sao để nắm được thật nhiều thông tin, biết trước được các thảm hoạ, các diễn biến đông tây..
16. Nghiêm khắc huấn luyện bản thân theo cơ chế ăn uống luyện tập làm đẹp nào đó.
Những đề mục trên mình liệt kê sơ sơ, thực chất ra ai trong chúng ta cũng ít nhiều thực hiện.
Giờ mình lại liệt kê tiếp các hoạt động khác mà một người thường hay làm lúc rảnh rỗi nhé
17. Trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc vật dụng trong nhà hoặc ngoài trời
18. Tham gia các hoạt động thể chất như chạy, nhảy, đạp xe, đi bộ, leo núi, bơi lội, thả diều, dã ngoại, tập gym, nhảy dù, thể dục nhịp điệu, khí công, yoga v.v.
19. Chơi đùa, học tập không áp lực cùng con/cháu
20. Tham gia các hoạt động không áp lực như vẽ tranh, câu cá, làm thơ, chơi nhạc, nuôi chim, cá cảnh, bonsai, khám phá thiên nhiên, du lịch, làm bánh, thủ công, rong ruổi thưởng ngoạn các cung đường, cảnh vật, chụp ảnh, ca hát .v.v.
21. Làm việc nhà, sắp xếp, thu dọn vật dụng, đi chợ, nấu ăn, trang trí nhà cửa..
22. Thư thả đọc sách, học tập, nghe/xem phim ảnh bổ sung kiến thức, kỹ năng về các ngành nghề, hiểu biết cuộc sống .. như một niềm vui trong lúc rảnh rỗi
23. Chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng, kiến thức, kỹ năng của bản thân tới mọi người mà không có áp lực phải thay đổi ai
24. Thường nhận biết và thừa nhận, trung thực với mọi diễn biến tâm lý trái ngược của bản thân
25. Xử lý các việc đến tay
26. Xem phim, ảnh, tài liệu về sự đa dạng phong phú của cuộc sống
27. Chăm sóc sức khoẻ, sắc vóc, thử nghiệm các cách tập luyện nhưng với tinh thần khám phá, không áp lực
28. Dành thời gian để trọn vẹn với sở thích, ước mơ của mình trong khả năng thực có ở hiện tại
29. Lên tiếng, góp phần đưa các giải pháp thiết thực cho các vấn đề quanh mình (môi trường, kinh tế, xã hội)
30. Tuỳ theo hoàn cảnh mà hỗ trợ mọi người thấu hiểu, kết nối, nâng đỡ nhau thấy đúng, hiểu đúng, dừng bạo lực trong lời nói và hành vi giữa cha mẹ với con cái, gia đình, nhà trường, xã hội, quốc gia..v.v.
Chắc hẳn đọc đến đây ai cũng thấy là có 2 danh sách liệt kê thí điểm các hoạt động mà một người thường làm khi rảnh rỗi.
Danh sách từ 1-16 thường có xu hướng khiến ta mắc vào sự quẩn quanh của tâm trí, sinh sợ hãi, tưởng tượng khác xa hiện thực rồi kiểm soát, giật dây, cưỡng ép chính mình và người khác. Nhiều khi còn sinh ra bao chuyện rối tinh vì nhu cầu “không dựa trên thực tế”, “cách ly với hiện thực” vì chất kích thích, hoặc vì có động lực là nỗi sợ hay sự phẫn nộ nên thường sẽ không làm người ta sáng suốt điềm tĩnh hay có giải pháp ôn hoà, lợi mình lợi người. Vậy lúc nhàn rỗi mà sa đà quá vào các hoạt động từ 1-16, lại không tỉnh biết để thấy rõ diễn biến tâm lý, tâm trí, và hành vi của mình.. thì một người dễ có phát ngôn, hành động, can thiệp một cách “bất thiện” tới chính họ và người xung quanh.
Khi ta “nhàn rỗi” theo kiểu như vậy, thân có vẻ nhàn nhưng tâm trí không nhàn, lúc này thực chất sẽ thấy rấm rứt, khó chịu, bất an, luôn phải tìm thấy cái gì đó để can thiệp, kiểm soát theo ý mình, không thể ung dung tự tại được. Cho nên tuy “nhàn” nhưng vội vã, hay can thiệp, “đầu nhảy số tanh tách”, luôn thấy phải nói hay phải làm cái gì đó nhưng thực chất chỉ là sự rối mù, cuống quýt vì tâm trí đang huyên náo lung tung.
Danh sách ví dụ từ 17 – 30 cho thấy nhiều việc “chân, tay”, liên quan trực tiếp đến các giác quan và hiện thực được trải nghiệm trên thân thể, ca hát, nhảy múa, làm bánh, chụp ảnh, chăm sóc con cái v.v… đều là các hoạt động trực diện, khi thực hiện ta có mặt ở hiện tại nhiều hơn, với cái thực có đang là, hơn là cứ sa lầy vào sự quẩn quanh của suy tưởng, tâm trí. Đặc biệt là các “vấn đề” trong thực tại phát sinh khi làm bánh, thể dục, chụp ảnh, yoga, nấu cơm.. vốn rất trực diện và giản dị, kích thích sự sáng tạo trong hiện tại. Chứ không đao to búa lớn xa vời với thực tế như khi ta bị kẹt vào suy tưởng.
Đây chính là lý do vì sao một người trông có thể “bận rộn” với các việc chân tay, nhưng tâm thế kỳ thực lại ung dung không có áp lực. Người này chẳng có mấy “nguy cơ” vướng vào sự hỗn mang của tâm trí, vì vậy mà ít có động cơ hay môi trường để làm hay nói điều gì thiếu thiện lành.
Những hoạt động liên quan tới trí óc, tưởng tượng.. như học hành, xem phim ảnh về sự đa dạng của cuộc sống (chứ không phải là về sự khốn nạn của cuộc sống).. cũng không tạo điều kiện cho tâm trí lập trình theo nỗi sợ hay sự phản kháng, mà thay vì đó, mở mang và đầy sáng tạo.
(Lẽ dĩ nhiên, một người vẫn có thể chăm chỉ hoạt động về “thân thể” như tình dục, thủ dâm, tìm các khoái cảm về thể xác.. nhưng như một hình thức trốn tránh thực tại, trốn tránh các vấn đề nổi cộm thực có cần đố diện và giải quyết của bản thân.)
Hai danh sách này cũng không có sự tuyệt đối trong đó. Bởi sau cùng, một người chỉ có thể tự buông đi điều bất thiện khi chính anh ta thấy biết được tâm trí/ hành vi của mình. Vậy nên quan trọng không phải là lúc rảnh rỗi anh ta thực hiện điều gì trong danh sách nào, mà là anh ta có thấy biết trọn vẹn điều đó hay không?
Khi thấy biết, thì sẽ buông đi những sợi dây trói buộc mình vào các hiềm khích, bất thiện.
Khi thấy biết, thì quay trở về với thực tại, vui với cái đang là, có ước mơ, có hoài bão, nhưng vẫn luôn vui với cái đang là, sống trọn vẹn với ước mơ của mình trong thực tại.
Mơ làm ca sĩ nhưng trước mắt cứ trọn vẹn vui thích với việc hát thầm lúc trồng cây, mơ làm tỷ phú nhưng trước mắt cứ trọn vẹn, thiện lành với những cơ hội, nhân duyên nho nhỏ mà mình đang có được.
Mọi nỗ lực, cố gắng không xuất phát từ tâm đố kỵ, sự sợ hãi, áp lực.. mà đến từ niềm vui thích tự có ở bản thân và thực tế lúc này. Như thế thì cũng chẳng còn cảm giác đang phải nỗ lực hay cố gắng, mà trái lại, đang được tận hưởng trọn vẹn cuộc đời.
Tuỳ thuận với thực tại, làm mọi thứ trong khả năng, không bị kẹt vào áp lực phải thế này hay thế khác, thì lúc ấy là “Không làm gì mà không gì không làm”.
Vậy nhé, điều quan trọng nhất, là dù bạn thường dùng thời gian rảnh rỗi của mình vào việc gì, thì hãy cứ thấy biết điều đó. Ngàn dặm xa thì cũng bắt đầu bằng một bước đầu tiên. Đến lúc nào đó bạn sẽ thấy buồn cười, vì từ lúc nào hoạt động của mình khi rảnh rỗi dần giản dị ở đây, bây giờ với cái đang là.
“Tiếng ve kêu râm ran
Như tan vào trong than trong đá
Ôi, sao tĩnh lặng quá!”
(Basho)