Nói chuyện với con về “tự sát”

Đón cậu con cả từ sân bay, trên đường về nhà, tôi bất giác trò chuyện với cháu về tình trạng trầm cảm, tự tử.. ở tuổi teen. Cháu năm nay 14 tuổi, đã từng kể cho mẹ nghe về các bạn bè xung quanh mình, trong đó có đứa bạn trầm cảm vài năm phải dùng thuốc để điều trị.

Mỗi lần mẹ con tôi đi đâu đó với nhau, dù trên xe máy hay trong ô tô, thì các cuộc nói chuyện vô tình đều xoay quanh những chủ đề về tinh thần, tiềm thức, tâm linh, tôn giáo, tâm lý.. Đây chỉ là một trong nhiều cuộc hội thoại mà chúng tôi có với nhau.

Mọi thứ chính thức bắt đầu từ khi cháu được 4 tuổi, trong một lần được mẹ đón về, cháu đã đố mẹ

“Mẹ có biết “không gì cả” trông như thế nào không?

Nếu mẹ trả lời là “Trắng, hay Đen” thì đều là sai, vì không gì cả thì không thể có biểu hiện gì”

Chính nhận định này của cháu đã mở đầu cho một series trò chuyện về ý thức, tinh thần và tâm linh giữa hai mẹ con tôi.

Để tiện cho mọi người theo dõi, tôi tạm đặt tên từng phân đoạn hội thoại, chứ thực ra trên thực tế chúng tôi trò chuyện như một mạch trôi chảy không có tên gọi.


Cuộc đời và Ý nghĩa của nó

– Dion, vừa rồi có một tin tức khá đau lòng, làm chấn động nhiều người, về một cậu bé 16 tuổi tự sát. Câu chuyện này làm mẹ nghĩ tới nhiều câu chuyện khác của những người mẹ biết, có con ở tuổi teen, với những khó khăn về tâm lý. Mẹ bỗng nhận thấy có một sự nở rộ và cao trào liên quan tới tuổi teen và sự tự sát hoặc ý nghĩ muốn kết thúc cuộc đời. Con là một người tuổi teen, con thấy sao?

– Đúng là như vậy đó mẹ.. Bạn bè xung quanh con cũng phải tầm 3, 4 đứa trầm cảm hoặc từng có ý nghĩ tự tử. Việc này khá phổ biến..

-Con có biết lý do họ đưa ra không?

-Hmm, con chỉ thấy chúng nó bảo là thấy cuộc đời vô nghĩa.. , có thể có nhiều lý do nữa nhưng con không rõ..

– Uh, đây cũng là lý do mẹ được nghe khá nhiều. Mẹ từng nghe nhiều người nêu lý do “không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời” hoặc nhận ra “cuộc đời là vô nghĩa” và coi đó là cơ sở lý luận cho việc “vậy thì nên chết đi cho rồi”.

-Uhuh

– Dion, con có biết không, “ý nghĩa cuộc đời” thực ra chỉ là cách tâm trí chúng ta đang kể các câu chuyện khác nhau, để cố gắng kết nối, so sánh, phân biệt, tổng hợp và diễn giải các dữ liệu được thu nhận qua các giác quan, các trải nghiệm, các tình huống cuộc sống, các diễn biến trong và ngoài cơ thể. Tuỳ vào sự lập trình của tâm trí dựa trên các kinh nghiệm và dữ liệu sẵn có, mà nó sẽ kể ra các câu chuyện khác nhau gọi là “ý nghĩa cuộc đời”.., gọi là sự tưởng tượng về cái gọi là “ý nghĩa cuộc đời tôi”.

-Vâng

– .. chứ thực ra cuộc đời này vô nghĩa.

Và vì nó vô nghĩa, nên mỗi khoảnh khắc mà ta trải nghiệm, chính là ý nghĩa của riêng nó rồi. Khi ta cố gắng gói gộp những khoảnh khắc này lại, dán nhãn cho chúng một ý nghĩa nào đó là thực ra vì chúng ta chưa tận hưởng và thấy hết cái đẹp đẽ của chúng, hoặc do ta đang cố lờ đi và lảng tránh hiện thực, nghĩ rằng phải có cái ý nghĩa nào đó cao sang hơn, đẹp đẽ hơn trên kia, ngoài kia.., sau này..

Nhưng thực tế là chúng ta đơn giản đang sống và tận hưởng từng thay đổi, biến động trong tâm lý và cảm xúc của mình, trong các tình huống và bối cảnh bên ngoài mình, trải nghiệm, khám phá và sáng tạo mỗi ngày. Nhưng ai không cho phép mình trải nghiệm trọn vẹn, ai còn phải tìm điều gì đó tối cao hơn là trải nghiệm trung thực và trọn vẹn này, sẽ còn hăng say tìm kiếm và thêu dệt nên cái gọi là “ý nghĩa cuộc đời”.

Kiểu như, nắng, mưa là không đủ, nó phải có câu chuyện thì mới thuyết phục ta chấp nhận nắng là nắng, mưa là mưa ấy!

Dion gật gù và chăm chú lắng nghe.


Tâm trí và lập trình sơ sài

Những gì tôi chia sẻ không hề mới với cháu, tôi và Dion đã có lịch sử trò chuyện, tìm hiểu, và đối đáp, thực hành với nhau trong nhiều năm. Từ ngày bé cháu đã biết phân biệt và quan sát nội tâm, cũng thường kể cho tôi nghe những khoảnh khắc khi cháu phát hiện ra tay chân tự hành động theo quán tính và sự lập trình của tư duy. Đương nhiên đó không phải là tất cả câu chuyện, nhưng tôi nhắc đến vì muốn người đọc thận trọng khi trò chuyện hoặc chia sẻ nội dung này với những người chưa bao giờ có khái niệm quan sát thân tâm hay biết phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế. Nghe qua thì thấy đây là kỹ năng đơn giản, nhưng tiếc thay số đông xã hội lại không được như vậy, với người như thế cần một sự tiếp cận từ tốn và theo nhu cầu của họ, chứ khó thể là một cuộc trò chuyện ngẫu hứng, bộc trực như thế này.

– Một đứa trẻ dưới 3 tuổi không bao giờ hỏi “ý nghĩa của cuộc đời là gì”, hay “chơi cái này để làm gì”, “ăn kẹo để làm gì”, “đau để làm gì”. Chúng đơn giản trải nghiệm, thưởng thức hết mình khi chơi, khi đau, khi ăn kẹo.

Dù không quan tâm tới ý nghĩa cuộc sống, không tìm cách sống sao cho ý nghĩa, vậy mà những đứa trẻ này lại tràn đầy sức sống, con có thể thấy em Leo, nó tận hưởng cuộc sống theo mọi cách mà nó muốn.

Dion bật cười, gật gù.

– Đây chính là trạng thái trong veo và vô sự, trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn mà không bị dính mắc vào tư tưởng, câu chuyện, hay học thuyết nào.

Nhưng như thế không có nghĩa trẻ con là ưu việt.

Thực ra não bộ của một đứa trẻ chưa phát triển nên các phần phụ trách về tư duy, tổng hợp, phân tích, so sánh, đối chiếu, suy luận, đúc kết.. chưa được phát huy, vì thế làm gì có chướng ngại về tư tưởng để ngăn chúng tận hưởng cuộc sống theo cách chân thực và bản năng nhất?

Theo thời gian, phần não bộ phụ trách tư duy phân tích, tổng hợp, suy luận.. này phát triển. Các kinh nghiệm sống và đúc kết, dạy bảo từ những người xung quanh khiến đứa trẻ dần hình thành khả năng nắm bắt, thu thập, ghi nhớ, phân tích, tổng hợp, đúc kết và lưu trữ những đúc kết đó.

Giống như cách một cái máy tính vận hành, các dữ liệu rời rạc nay được thu thập và đem so sánh đối chiếu với nhau, được phân tích dựa trên “công thức” là các kinh nghiệm sống/ dạy dỗ của những người xung quanh, rồi được gộp lại, tổng hợp và suy luận thành một “công thức” mới, những công thức này được coi như một Folder (Tệp tin).

Ví dụ Tệp tin “Không được đi chơi với người lạ” được tổng hợp và đúc kết từ các dữ liệu: bối cảnh “người lạ cho kẹo”, sự kiện “mẹ mắng”, “bố hỏi cung”, “cảm giác sợ hãi khi đọc chuyện tranh minh hoạ về sự nguy hiểm khi đi chơi với người lạ”, “cảm giác bức bối khi bị mẹ mắng”, “mong muốn thoát khỏi sự bức bối này” ..v.v.

Một điều đáng buồn là, trong khi máy tính sẽ cho dữ liệu chính xác hơn, thì bộ não con người lại không chính xác lắm trong việc ghi nhớ và phân loại dữ kiện, nhất là khi chưa được tập luyện.

Trước một trải nghiệm choáng ngợp hoặc gây xúc động mạnh, tư duy của con người có xu hướng vơ đũa cả nắm, gom tất cả những dữ liệu gì đang có tống chung vào cùng một tệp tin rồi đúc kết ra công thức.

Tiêu đề bài báo mẹ vừa đọc: “Mẹ Việt có 2 con vào Havard, bí quyết: dậy sớm từ 5h sáng bất kể đông, hè” là một ví dụ như vậy chẳng hạn. Dậy từ lúc 5h sáng chỉ là một trong nhiều hành động và nỗ lực, có nhiều người là nông dân cũng dậy từ 5h sáng nhưng số người vào Havard lại rất ít. Thế nhưng trước thông tin choáng ngợp là “2 con vào Havards” thì bất cứ thông tin gì được kể ra cũng sẽ được phóng viên gom gộp lại thành một tệp tin và đúc kết tiêu đề như vậy. Cũng có thể đó chỉ là cách khôn khéo để thu hút sự chú ý cho bài báo, nhưng con hiểu ví dụ mà mẹ muốn đưa ra phải không?

-Vâng ạ.

Hay một ví dụ khác, “Làm việc chăm chỉ để bù đắp cho ngoại hình” là một tệp tin chứa các dữ liệu: ngoại hình không như mong đợi, cảm thấy bản thân mất giá trị, muốn có giá trị trong mắt người khác, cần làm gì khác để tăng giá trị cho bản thân, chăm lam chăm làm thường được mọi người khen ngợi..

Đương nhiên, mỗi tệp tin này chứa nhiều dữ liệu, mỗi dữ liệu lại là một tệp tin chứa nhiều dữ liệu con con, cụ thể hơn, tiềm ẩn hơn. Càng vào sâu các tệp tin con, càng thấy được các vấn đề lưu cữu trong tiềm thức ở tầng sâu hơn, mà đa số là các công thức được đúc kết theo kiểu vơ đũa cả nắm, đến từ các trải nghiệm choáng ngợp như khi bị tấn công, làm nhục, bỏ rơi, sợ hãi khi đọc tin tức, ngưỡng mộ, bị kích thích giác quan mạnh mẽ ..v.v.

Ví dụ, dữ liệu “cảm thấy bản thân mất giá trị vì ngoại hình không như mong đợi” có thể chính nó là một tệp tin bao gồm các dữ liệu “bị chê bai vì ngoại hình”, “thấy người mẫu, hoa hậu luôn được ở bục sân khấu với ánh đèn hào nhoáng và trên tạp chí mọi người phải bỏ tiền ra mua để xem và được cả nước săn đón”, “những ai xinh đẹp thường được làm công chúa trong chuyện cổ tích”, “phải xinh đẹp mới lấy được chồng”, “không có chồng thì có tội với thế giới”, “không có chồng tôi sẽ không sống được”..v.v..

Máy tính phân loại, ghi nhớ, và gọi ra các dữ liệu chuẩn xác. Nhưng con người thì hiếm khi được như vậy. Đa số mọi người bị chi phối bởi chính tư duy và cảm xúc. Khi các tập tin đúc kết sai lệch này được lồng ghép lẫn lộn để đưa đến các công thức sai càng thêm sai, thì dần dần, thế giới tinh thần, tư tưởng của một người thực chất được móc nối, thêu dệt từ mê cung các công thức sai lệch so với thực tế. Sai lầm này chồng chất lên sai lầm kia, trùng trùng lớp lớp, rối như tơ vò.

Rất nhiều những dữ liệu, đúc kết đó chỉ mang tính tạm thời, đảm bảo sinh tồn cho khoảnh khắc đó, ví dụ có người luôn sợ hãi khi thấy ai mặc áo trắng, vì thời bé từng bị tấn công tình dục bởi một người mặc áo trắng. Vào thời điểm khi người đó còn bé, “máy tính” ghi nhận “Áo trắng” đồng nghĩa với “Nguy hiểm”, đúc rút phục vụ cho sinh tồn là: “Dừng mọi thứ. Chạy ngay!”.. Nhưng về lâu dài thì dữ liệu này không chính xác nữa, nếu một người chưa biết cách hay được hỗ trợ đối diện, nhìn thấu sự lập trình tư duy và cảm xúc này và thực tế của mình để hoá giải chúng, thì công thức “sợ người áo trắng” sẽ vẫn còn phát huy như một cơ chế phòng vệ.

Đó là ta bàn về sự thiếu chính xác của lập trình tư duy.


Sự đồng hoá mình với tâm trí

Còn bây giờ, kể cả với một người mà tư duy như máy tính, tức là cực kỳ chuẩn xác về bộ nhớ và các dữ liệu, ví dụ như người này có thể thuộc lòng và gọi ra chính xác mọi tiểu thuyết văn chương, lý lịch, các công thức và học thuyết, có thể cộng trừ nhân chia và so sánh đối chiếu rất hoàn hảo.. Thì người đó vẫn gặp một vấn đề nghiêm trọng, đó là bị chính tư duy máy tính này chi phối.

Nói cách khác, là người này bị quán tính phân tích, lập luận, so sánh, tìm kiếm, đúc kết ra thành kết quả.. chi phối. Nói một cách khác nữa, là bị lệ thuộc vào hoạt động này của não bộ, và đây chính là trạng thái của đa số mọi người: luôn phải tìm tòi, đúc kết, so sánh, cạnh tranh, phấn đấu, đúc kết.

Ở tầm tuổi như bọn con, mẹ cảm nhận, là độ tuổi khi khả năng này của não bộ phát huy mạnh mẽ nhất, đạt tới đỉnh cao nhất về kết nối, phân tích, và tổng hợp dữ liệu. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng từ 7-12 tuổi là khoảng thời gian tối ưu để phát triển tư duy logic. Từ thời khắc chín muồi này, tuỳ theo công thức đúc kết sai lệch hay chuẩn xác, mà cứ thêm một tuổi một người sẽ.. nặng nề thêm trong cách sống vì quá dày đặc định kiến. Kiểu như máy tính bị cài nhiều virus, nặng nề chậm chạp và sai số cao. Cho tới một lúc nó quá tải, treo máy, người ta cần quyết định huỷ đi những cài đặt sẵn có và hướng tới bộ vi xử lý tinh tế hơn.

Dion nghe tới đây cười hô hố, làm mẹ cũng phá lên cười theo.

Trong mỗi người còn mang một bộ gene thừa hưởng ký ức và trí khôn sinh tồn từ bao thế hệ. Nghĩa là tuy con không nghĩ, hay chưa kịp nhẩm ra, thì tự cơ chế sinh tồn và đúc kết từ di truyền trong con, đã khiến con phản xạ “vô điều kiện” trước các tình huống cần sinh tồn. Cơ chế này có thể được thừa hưởng chung từ nhân loại, nhưng có phần “may đo” rất rõ rệt từ chính người cha, người mẹ, người ông, người bà.. của con. Và người ta thường cho rằng phải trải qua hàng trăm ngàn năm thì mới đủ xi nhê để di truyền lại cho con cháu. Nhưng trong một thí nghiệm nọ, con tự google nhé, người ta cho chuột mẹ ăn một thực phẩm màu đỏ có chất độc, và nó bị ngộ độc sau đó. Sau đó chuột mẹ sinh ra con chuột con, con chuột con này chưa bao giờ nhìn thấy thực phẩm màu đỏ trước đó, nhưng ngay khi nhìn thấy, nó đã biết sợ và tránh né như thể gặp cái gì đó rất nguy hiểm. Vậy là kiến thức sinh tồn chỉ từ đời trước đã di truyền sang tới đời sau rồi.

Những đúc kết trong di truyền không hẳn đúng nhé, có khi đúc kết sai, vẫn di truyền theo gene tới đời con cháu.

Nhân đây mẹ cũng xin lỗi vì chưa kịp thông minh đã sinh con ra rồi.. hahaha

Dion lại cười ha hả.

Nói vậy để thấy, một người không chỉ bị lý trí/ tư duy logic làm mờ mắt, ngoài ra còn cảm xúc, và sự chi phối từ di truyền nữa, đều là những nét đẹp rất khó thấy biết để làm chủ, nếu không tập quan sát thân tâm mình.

Quay lại với vấn đề ở tuổi teen. Đúng là các bạn bị chi phối bởi cảm xúc mãnh liệt, và cộng thêm lý trí sắc bén hơn bao giờ hết. Vậy thì tại sao chúng lại là combo phá đảo, khiến nhiều bạn trầm cảm, tự sát hoặc bị ám ảnh về tự sát?

Mọi người hay phân tích ngoại cảnh, gia đình, trường lớp, bạn bè.

Mà, thông thường ta sẽ chỉ biết tìm cách đổ tại sang người khác khi bế tắc và không nhận thức ra được nguồn gốc vấn đề trong mình.

Tuy có thể mở rộng ra và nhìn vào những nguyên nhân khách quan, nhưng với chủ thể là người đang gặp vấn đề, thì đây là cái nhìn sai hướng và khó để thấu hiểu và giải quyết tận gốc, nó chỉ có ích nếu ta coi đây là hệ sinh thái mở rộng. Tức là cốt lõi của giải pháp phải là chính người đó.

Về cảm xúc, ngay trong não bộ cũng có bộ phận riêng, bé xíu xiu, có hình hạt hạnh nhân, tên gọi “amygdala”, chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin tích cực và tiêu cực. Nó đặc biệt quan trọng khi một người gặp tình huống khiến họ sợ hãi. Khi có tín hiệu hoặc tình huống đáng sợ, nó lập tức truyền tin tới vùng thuỳ trán (prefrontal cortex), và nếu cần thiết thì chính vùng này sẽ ra lệnh để người này bỏ chạy hoặc tấn công.

Dion gật đầu hàm ý rất tán thành.

Khi chưa thực tập quan sát tỉnh biết, hay chưa biết cách bao quát thấu hiểu tiến trình phản ứng cảm xúc của mình, thì một người có thể phải chịu đựng đè nén hoặc bùng phát nổ tung theo “lệnh” của não bộ. Nói một cách khác, vẫn bị chi phối hoặc cố gắng đè nén, chối bỏ phản ứng của mình bằng các ý niệm khác nhau.

Quay lại mệnh đề “Sống là phải có ý nghĩa”.

Từ lúc nào dường như ai cũng thấm nhuần “đúc kết” này mà không thực sự hiểu “ý nghĩa của cuộc sống” trong mệnh đề này cụ thể là gì. Có thể là qua phim ảnh, sách vở, các bài báo, qua cách xã hội tôn vinh hay hạ thấp một ai đó, mà mỗi người tự đúc rút cho mình một câu chuyện/ khái niệm về cái gọi là “ý nghĩa cuộc sống”.

Mẹ liệt kê sơ sơ:

-Sống phải hết mình, có được nhiều trải nghiệm đa dạng, thì mới có ý nghĩa

-Trở thành người giúp ích cho xã hội, thì mới là sống có ý nghĩa

-Là tấm gương được cả dòng họ ca ngợi, là sống có ý nghĩa

-Báo hiếu được cho cha mẹ, che chở bao bọc và giữ gìn hạnh phúc gia đình, là sống có ý nghĩa

-Học rộng hiểu cao, biết nhiều kiến thức, có nhiều phát minh.. là sống có ý nghĩa

-Hiểu ra quy luật của vũ trụ, nhận biết được chính mình, là sống có ý nghĩa..

– Tự do làm thứ mình thích, là sống có ý nghĩa

Dường như mỗi người sẽ nghiêng về 1 khái niệm khác nhau, nhưng ít nhiều sẽ coi đó là những tư tưởng để hướng tới, nhằm tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Vào lứa tuổi dậy thì, khi óc logic và khả năng quan sát, phân tích dữ liệu và suy luận đạt điểm sắc bén nhất, thì có một hiện tượng xảy ra, đó là sự suy luận này bế tắc khi so sánh, đối chiếu, và tổng hợp các dữ liệu để tìm ra thứ gọi là “ý nghĩa cuộc sống”, hoá ra “ý nghĩa” không hề tồn tại như cách mọi người liệt kê, hay nói cách khác, “ý nghĩa cuộc sống” chỉ là các câu chuyện/ ý niệm được kể và hình thành dựa trên sự xâu chuỗi trải nghiệm. Trải nghiệm tuy có thật, nhưng ý niệm về ý nghĩa của nó là sản phẩm của tưởng tượng. Tưởng tượng thì không sai hay đúng, nó hay ho và là gia vị cho cuộc sống, nhưng sẽ là vấn đề khi người ta bị bám chấp vào đó và không thể nhìn hiện thực nếu thiếu lăng kính do mình tưởng tượng.

Một bộ óc thông minh sẽ nhanh chóng nhận thấy, ngay cả khi được tự do làm thứ mình thích, báo hiếu được cho cha mẹ, là tấm gương của cả dòng họ, học rộng hiểu cao, có nhiều trải nghiệm đa dạng, là người giúp ích cho xã hội.. thì sự sống vẫn không ngừng tuôn chảy một cách ngẫu nhiên không theo cách của bất cứ câu chuyện hay lý tưởng nào. Tư duy logic sẽ hoàn toàn bó tay khi đi tìm “ý nghĩa cuộc sống”, hoặc đơn giản, nó sẽ kết luận: “Cuộc sống thực ra không có ý nghĩa gì, mọi ý nghĩa đều là do trí tưởng tượng tự gán ghép”.

Lúc này, nếu như toàn bộ “lý do sống” được lập trình dựa trên công thức “vì có ý nghĩa”, thì hệ điều hành sẽ bị crushed, bị sụp đổ cơ sở tồn tại của nó.

“Cuộc sống này là vô nghĩa”

“Tôi không thấy cuộc sống có ý nghĩa gì”

“Sống để làm gì, hoá ra chả để làm gì cả..”

là những phát hiện đầu tiên của tâm trí

Tiếp sau đó thường sẽ là:

“Vậy thì mình nên chết quách đi ..”

“Thế thì sống làm gì nữa..”

Dion nghe tới đây gật gù, liên tục nói “Đúng thế, đúng thế!”

Dĩ nhiên trong khuôn khổ này, ta chỉ nói về mệnh đề “Ý nghĩa cuộc sống”, một mệnh đề thuộc về phạm trù ý niệm, tức là sự suy luận của tâm trí, chứ không tồn tại trên thực tế.

Ngoài ra còn có nhiều mệnh đề khác như “Sống là phải được mọi người tôn trọng” v.v.

Khi tâm trí đối diện với thực tại và so sánh với các dữ liệu mà không thể giải được bài toán của mệnh đề, nó trở nên bế tắc.

“Mình chết quách đi cho rồi, mình bế tắc quá, vô dụng quá, vô nghĩa quá..”

Đó là suy nghĩ nảy lên trong tâm trí.

Và đó là những kết luận đúng. Nhưng không phải dành cho chủ nhân của tâm trí, mà là dành cho tâm trí thôi. Con có hiểu không?

-Có, con hiểu chỗ này. Nghĩa là tâm trí bế tắc nên phát tín hiệu vô dụng, muốn quit (sập nguồn)..

-Đúng rồi. Thế nhưng đây là mấu chốt của sự nguy hiểm: đa số mọi người đánh đồng mình với suy nghĩ và tâm trí của mình.

“Mình nên chết quách đi cho rồi, bế tắc quá” – tâm trí nói

Và chủ nhân của tâm trí tưởng “Mình” là chính anh ta, vội tin ngay, và làm theo ngay mệnh lệnh của tâm trí.

Đây chính là sự đồng hoá mình với suy nghĩ, bị lệ thuộc và chi phối bởi tâm trí.

Vậy một tâm trí thông minh ơi là thông minh, sẽ đúc rút ra được dữ liệu “bế tắc”, “không giải được bài toán tưởng tượng”..

Với người thực tập quan sát, tỉnh biết, thì những bế tắc này là vàng bạc châu báu rất quý giá. Vì đây chính là điểm mấu chốt để nhận ra các mệnh đề ảo tưởng và sự bám chấp vào các ảo tưởng. Người đó sẽ mừng như bắt được vàng vì thấy được điểm bám chấp, lúc này liền buông xuống ảo tưởng và sống tiếp một cách an nhiên không còn bị lệ thuộc vào tư tưởng nữa. Như vậy gọi là có trí tuệ, tức là vượt trên cái thông minh của tâm trí một bậc.

-Trí tuệ/ thông thái.. nghĩa là thấy được cả sự “thông minh” của tâm trí mà không bị cuốn vào nó phải không mẹ? – Dion gật gù.

Đúng thế.

Nhưng đa số mọi người còn đồng hoá mình với tâm trí, vì vậy không có trí tuệ như thế, họ đơn giản coi đây là điểm quẫn bách, sự tối tăm của cuộc đời, và rất dễ bị sự đồng hoá này làm cho gây nguy hiểm tới bản thân và người khác.

Tâm trí bảo “Kết liễu đi!” vậy là thay vì để tâm trí tự kết liễu cái lập trình của nó, người ta lại đi kết liễu chính mình hoặc người khác. Rất là dở hơi.

Làm gì khi nhận ra sự sống chỉ là.. sự sống thôi?

Vậy thì việc phát hiện ra “Cuộc sống thực chất vô nghĩa”, là một dấu hiệu cho thấy trí thông minh hoạt động cực tốt, phân biệt được tưởng tượng và thực tế, lý thuyết và hiện thực. Nhưng người nào quá tin vào mệnh đề “Sống phải có ý nghĩa” và không chấp nhận được rằng “Ồ cuộc sống làm gì có ý nghĩa gì” sẽ rất đau khổ, suy sụp, và có thể chọn cách tự sát. Ngay cả ý nghĩ “Cuộc sống thực ra vô nghĩa” cũng đủ làm cho họ thấy lộn mề, chao đảo, khó thở rồi.

Ngoài số người tự sát khi phát hiện ra cuộc sống “vô nghĩa”, thì số còn lại đang sống sau phát hiện thật thà giản đơn mà chấn động này thường thuộc về hai kiểu:

-Kiểu 1: người đã giác ngộ sự thật, tức là nhận ra sâu sắc 3 điều sau:

  • sự tồn tại này là vô thường, đổi thay liên tục
  • sự tồn tại này không theo ý muốn hay lý thuyết nào
  • sự tồn tại này không nhân danh hay thuộc chủ quyền kiểm soát sở hữu của ai hay đấng nào

Đương nhiên, số người này khá ít ỏi, vì vậy đa số thuộc về kiểu người thứ 2:

-Kiểu 2: người sống nhờ vào niềm tin hi vọng ( cũng hay được biết đến như người nuôi dưỡng tư duy tích cực)

Trong trường hợp tâm trí họ bế tắc vì không thể giải được một “lý thuyết” nào cho khớp với thực tại, thì họ sẽ chủ động tìm kiếm và nương tựa vào các lý thuyết mới, có thể rất dễ nghe, hấp dẫn, và cảm giác rất nhân văn.

Tại sao là Lý thuyết mà không phải là Sự thật, vì những lý thuyết này được đúc kết không dựa trên sự quan sát thấy biết rõ ràng nơi thân, tâm, cảm xúc và hoàn cảnh của họ, mà dựa trên các suy luận, tư tưởng, sách vở, tin đồn, câu chuyện sưu tầm từ các nguồn khác nhau.

Có rất nhiều lý thuyết như thế để người đời nương tựa vào, nhằm có cơ sở lập luận để tiếp tục một cuộc sống “có ý nghĩa”. Ngay trong những lớp học của mẹ tại Như Là, cũng dễ nhận thấy dù một số người đang trên hành trình quan sát chính mình, thì cơ chế “tìm kiếm ý nghĩa từ giả thuyết” vẫn rất mạnh mẽ.

Vậy đấy, ta thấy được 3 kiểu người:

Kiểu 1: nhận ra cuộc sống vô nghĩa, không theo ý mình, không chấp nhận được điều này, nên tự sát – dĩ nhiên ở đây ta không bàn về quyền quyết định của một người về sự sống hay cái chết của bản thân. Ta chỉ đang nói đến việc quyết định đó dựa trên cơ sở lập luận nào.

Kiểu 2: liên tục tìm kiếm ở các tư tưởng, lý thuyết khác, tiếp tục có động lực sống vì nay đã một lý thuyết khác về ý nghĩa của cuộc sống. Những ý nghĩa tưởng tượng này có thể nhân danh nhiều thứ lắm. Nhân danh giác ngộ, đắc đạo, cứu thế.. đều có cả.

Kiểu 3: nhận ra cuộc sống vô thường, không theo ý mình, không thuộc sự sở hữu kiểm soát của riêng ai – liền buông bỏ mọi ảo tưởng, sống trung thực, trải nghiệm trọn vẹn từng biểu hiện của sự sống trong mình, tôn trọng nhịp điệu riêng của mỗi sinh vật, tôn trọng sự sống và cái chết như biểu hiện của tự nhiên. Thôi không còn tham cầu và dùng bạo lực tinh thần hay thể chất để kiểm soát thao túng mình và người khác trái mong muốn hay sự tự nhiên.


Bản năng, trí thông minh, và trí tuệ

Mình quay lại về đứa trẻ 2 tuổi với sự trải nghiệm trong veo nhé, đứa trẻ đó với tư duy logic chưa hoàn thiện, nên không bị bám chấp vào câu chuyện, suy luận, hay bị mờ mắt bởi bất cứ lập luận nào, bé chỉ đơn giản trải nghiệm hết mình thôi. Mọi thứ giữ cho bé sinh tồn như đói thì khóc đòi ăn, thích đồ chơi phải giằng bằng được, rụt tay lại khi sờ phải nước nóng, hay co rúm người, phản ứng la hét khi bị ép buộc.. là những bản năng bất cứ ai cũng có.

Nhưng đứa bé đó vẫn chưa có trí thông minh logic.

Và trí tuệ.

Lúc nãy con nói Trí tuệ tức là khả năng thấy được cả sự vận hành của tâm trí mà không bị cuốn theo phải không? Ở đây, hiểu chính xác hơn nữa, là khả năng thấy được mọi diễn biến lập luận trong tâm trí, cảm xúc, cơ thể, và hoàn cảnh xung quanh đúng như nó là, mà không bị lệ thuộc hay chi phối bởi chúng.

Vậy nên, người trí tuệ, hay kiểu người thứ 3, có khả năng sống trọn vẹn và hồn nhiên như một đứa trẻ, không phải vì họ không biết lập luận, tính toán, tư duy, so sánh, phân biệt.., mà bởi vì họ không bị lệ thuộc bởi chúng, mà chủ động được việc sử dụng chúng tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu.

Thế còn những người đã phát triển trí thông minh và có tư duy lập luận sắc bén, họ thường bị kẹt tại giai đoạn này, và bị lệ thuộc vào chính hệ tư tưởng và lập luận của mình, nên không thể đơn thuần trải nghiệm sự sống như nó là nữa.

Nói nôm na, nếu nhìn tiến trình phát triển não bộ cũng như sự trưởng thành về nhận thức, thì sẽ thấy các giai đoạn:

-bản năng

-bị bản năng dẫn dắt, điều khiển

-làm chủ được bản năng (tức là vẫn có bản năng nhưng không bị chi phối bởi chúng)

-phát huy khả năng tư duy

-bị tư duy dẫn dắt, điều khiển

-làm chủ tư duy (tức là vẫn có khả năng tư duy nhưng không bị chi phối bởi chúng)

Đa phần, theo quan sát của mẹ, thông thường đến tuổi dậy thì, khi người ta phát huy tư duy thì cũng chững luôn tại đó, tức là não bộ sử dụng thuần thục tư duy, mở rộng ra các lĩnh vực khác nhau.

Nhưng dù trông đa dạng và trải nghiệm rất phong phú, một người vẫn có thể không có sự trưởng thành hơn trong nhận thức hay sự phát triển của não bộ. Đôi khi người ta nhầm lẫn biết nhiều, trải nghiệm nhiều, thì sẽ thông thái. Nhưng trong trường hợp so sánh giữa trí thông minh và trí tuệ, thì không phải như vậy. Trong khi trí thông minh là khả năng so sánh, phân biệt, phân tích, tổng hợp dữ liệu thuộc các phạm trù khác nhau. Thì trí tuệ vượt trên tầm đó, nó khiến một người có thể bao quát thấy biết được mọi nhận thức và tiến trình tâm lý của mình. Nó nằm ngoài trí thông minh. Trong khoa học, người ta đang đặt câu hỏi liệu vùng Precuneus có phải là khu vực não bộ sẽ được kích hoạt khi trí tuệ phát huy hay không. Vì thế nên mẹ mới đặt giả thiết đây chính là tiến trình phát triển não bộ tiếp theo sau việc phát triển tư duy.

Một người không thông minh, không giỏi tính toán suy luận, nhưng lại có thể có trí tuệ, gọi là “biết người biết ta”. Vì trí tuệ là khả năng thấy biết hiện tượng như nó là, không bị che phủ bởi bất cứ học thuyết nào. Tạm gọi là người có cái nhìn tinh tường, sáng rõ, trọn vẹn về các hiện tượng.

Ngược lại, một người có thể rất thông minh, am hiểu nhiều học thuyết, chế tạo được tên lửa, tàu ngầm, lý luận bẻ cong được cả sự thật, nhưng lại có thể là một người không hề có trí tuệ, không nhìn thấy được sự việc đơn thuần như nó là.

Vừa nói tới đây, thì xe đã về tới nhà.

Dion và tôi xuống xe, mỗi người một tay bắt đầu di chuyển đồ đạc.

Em Leo bắt đầu tranh nói, gọi anh ý ới, và liến thoắng kể chuyện, ca hát, lý giải, tự lẩm bẩm một mình..

– Giai đoạn khởi đầu của “sự điên cuồng tâm trí” đây – tôi cười và đùa với cả nhà

-Sự điên cuồng tâm trí? -Dion thắc mắc

-Uh, là khi tâm trí bắt đầu nảy sinh hàng loạt suy nghĩ, luận điểm, chuyện kể.. Tiếng Anh hay gọi là “Brain chatter” – hay còn gọi là sự huyên thuyên của não bộ hihi..

-Nhưng mà, mẹ ơi, một người có thể chọn nghĩ cái gì mà, chứ đâu phải huyên thuyên trong não cả ngày như vậy?

-Ồ, Dion. Thật vậy sao? Vậy ngay bây giờ con hãy thử chọn ra một suy nghĩ và suy nghĩ nó như ý muốn xem nào, nhớ là đừng nghĩ về điều không muốn nhé?

Dion nghệt mặt rồi bật cười.

-Con thử ngay đi xem nào.. Mẹ yên lặng đây này.. – tôi hóm hỉnh nhìn cháu

30 giây yên lặng trôi qua, Dion tủm tỉm cười.

-Con ah, cho rằng mình có thể chọn được suy nghĩ chính là một cách tinh tế để nói rằng suy nghĩ này là của tôi, do tôi, vì tôi rồi rất mau chóng tự nhận các diễn biến nội tâm đó thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của mình. Nó chính là lý do mấu chốt vì sao một người kiệt quệ, mất năng lượng, xuống dốc về tinh thần, khi cả ngày cứ tranh đấu vật lộn và tìm cách kiểm soát tâm trí, cảm xúc của mình. Đúng là một người có thể hướng tâm trí chú tâm vào điều khác, như cách một người ăn trộm tập trung đi nhẹ nói khẽ để không bị ai phát hiện ra, hay cách người ta hết sức cẩn trọng nâng từng tách trà, hay tìm cách đánh lạc hướng mình sang một suy nghĩ khác.. Nhưng đó vẫn không phải là gốc rễ của việc phát huy trí tuệ.

-Hihi, vâng ạ..

– Nếu họ biết quan sát và thừa nhận, cho phép những diễn biến đó trong tâm một cách riêng tư (chứ không phải cho phép mình đi làm hại bản thân hay tấn công người khác), thì họ sẽ đạt tới trí tuệ, thấy biết mọi diễn biến tâm mà không bị kiểm soát bởi nó.

Dion, chủ đề “Ý nghĩa cuộc sống” này rất thú vị, tối nay mẹ sẽ thử đem ra thảo luận cùng mọi người trong lớp học.

Lúc này, Leo đã kịp đu lên người mẹ và đòi tuti, mọi người lục tục thu xếp đồ đạc trong nhà. Một tuần mới đầy hứng khởi lại bắt đầu.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s