Người hỏi:
Chị ơi, em vẫn luôn thắc mắc thế này. Thân bệnh đau đớn là cái khổ có thật đúng không chị? (Kiểu bệnh từ nhỏ ấy, bệnh không chữa khỏi. Ngoại trừ tâm lo lắng sợ hãi là cái khổ ảo). Thế nhu cầu muốn giải quyết cái đau đớn, mệt mỏi của thân bệnh là nhu cầu thiết thực phải không chị? Từ đó mà đi tìm tới thuốc, hay tới các pp chữa lành bằng năng lượng, hay thần thông để nhìn được bản đồ năng lượng sinh học của mình bế tắc ở đâu?…Như vậy thì lại vướng mắc vào kiểu phải tuân thủ việc tu luyện, thậm chí làm sai còn bị tẩu hoả các thứ, rồi là dính dáng tới cõi vô hình các thứ… (mặc dù năng lượng giúp cho mình bớt đau đớn, không phải dùng thuốc đi). Thế rồi đi đường nào cũng khổ à chị ơi? Nếu chỉ đơn giản biết rõ mình đang đau như thế (không lo lắng) ngày này qua ngày nọ, năm này qua tháng nọ, tới chết à chị ơi?
Phan Ý Ly :
Câu hỏi của em thể hiện sự nhầm lẫn, chưa phân biệt được giữa cái khổ này và cái khổ kia, cũng như mục đích khác nhau của các cách thực hành. Phân biệt được rõ ràng em sẽ không còn hoang mang mâu thuẫn nữa. Chị dựa trên định nghĩa ở wikipedia để giải thích thêm nhé:
1.Khổ khổ (sa. duḥkha-duḥkha)
Nghĩa là khổ vì những sự khổ của thế tục, chẳng hạn khổ vì đói khát, khổ vì phải trải nạn chiến tranh. Đây là mức độ khổ thấp nhất mà ai cũng cảm nhận được.[2](Wikipedia)
👉 khổ khổ bao gồm cái khổ ở nơi thân mà em nói đến, khổ này thì phàm đã làm người ai cũng phải nếm. Đắc đạo hay giác ngộ đến mấy thì vẫn gặp sinh, lão, bệnh, tử ở thân xác.
Khi thân đau yếu, đói rét, sẽ cần can thiệp bằng y học hoặc các hình thức bảo đảm cho sự sống còn và khỏe mạnh của thân. Ngay cả đức Phật trước đây khi thử tu khổ hạnh, cũng đã nhận ra ngài chịu khổ giỏi hơn tất cả những ai từng thử tu khổ hạnh, mà ngài vẫn không đắc đạo. Vì vậy hiểu lầm việc phải khiến cho thân khổ sở để qua đó đắc đạo, là một tà kiến mà chính đức Phật đã nhận ra qua quá trình thử nghiệm của mình. Tự Ngài đã thấy rõ, nếu cứ tiếp tục hành xác như vậy, cơ thể thiếu dưỡng chất khó sinh tồn, nếu Ngài chết đi thì vẫn không đắc đạo, cái ĐÍCH CUỐI vẫn không đạt được. Vì nhận ra như thế nên Ngài quyết định thay đổi thái độ và phương pháp, Ngài đã uống bát sữa cúng dường, Ngài ăn trở lại.. để bảo toàn mạng sống, nhằm có thể bước tiếp trên con đường tìm đạo.
Trong khi thực hành TỈNH BIẾT (còn gọi là vipassana, tuệ quán, thấy sự thật như nó là..v.v), thì 1 “đề mục” để nhân đó thấy được cách mọi thứ sinh diệt, là quán sự đau đớn ở thân. Việc thấy biết được thân mình, tâm mình.. phản ứng ra sao, khó chịu thế nào, mình trở nên cáu gắt rồi cưỡng ép chống trả trong tâm lý như thế nào khi gặp các tình huống bất như ý… cũng là những phát hiện tuyệt vời của người đang tìm vào chính mình. Đây chính là chỗ khiến em và nhiều người thực tập cảm thấy bị nhầm lẫn. Hiểu lầm rằng phải bỏ mặc cơ thể mình đến chết để mong đắc đạo hay như vậy mới gọi là tu. Thực ra không hề như vậy, hãy cứ quan sát phản ứng thân tâm trong khi chờ bác sỹ tới, trong khi vừa uống thuốc xong, trong khi đang đau hay tê vì phẫu thuật v.v.
Vậy việc can thiệp, điều trị là sử dụng các hình thức của tục đế, nói dễ hiểu hơn, là điều cần làm để sinh tồn (chứ không phải để giác ngộ). Còn việc quan sát phản ứng của thân và tâm là điều cần làm để giác ngộ, tức thấy ra được sự thật về cách thân tâm mình vận hành. Hai sự can thiệp khác nhau cho hai mục đích khác nhau.
Nhưng nhiều người lại nhầm lẫn rằng, tôi đi chữa lành hay điều trị năng lượng.. là để tu tập hay giác ngộ. Như thế là Nhầm lẫn. Vậy thôi, chứ không phải là không được phép chữa lành hay không được điều trị.
Có những bài chia sẻ rất hay về thực tế khi thực hành thấy biết phản ứng tâm trong cơn đau, từ các thành viên Như Là:
Bài 1: https://www.nhula.net/posts/26927510?utm_source=manual
Bài 2: https://www.nhula.net/posts/25666563?utm_source=manual
2. Hoại khổ (sa. vipariṇāma-duḥkha)
Nghĩa là khổ vì sự thay đổi. Ở cấp độ này, ngay cả những kinh nghiệm tưởng có vẻ khoái lạc thì cũng là khổ. Sở dĩ con người cảm thấy các kinh nghiệm đó là vui sướng là bởi họ đã so sánh chúng với những kinh nghiệm đau đớn. Sự vui sướng đó chỉ là tương đối. Trong khi đó, sự vật luôn thay đổi, vì vậy sau một thời gian thì những kinh nghiệm tưởng chừng là vui sướng đó chỉ còn là sự nhàm chán, không thỏa mãn,[3] sự vui sướng rồi cũng mất đi. (Wikipedia)
👉 Đây là cái khổ của đa số mọi người, nhưng khi thấy rõ sự đến rồi đi, sinh rồi diệt, biến đổi liên tục của trạng thái, sự việc.. thì người đó cũng sẽ dần “dửng dưng” không còn lệ thuộc tâm lý vào những đổi thay này nữa.
3. Hành khổ (sa. saṃskāra-duḥkha)
Nghĩa là cái khổ bao trùm tam giới, sáu cõi (tất cả chúng sanh trong luân hồi). Minh họa của cái khổ này là hợp uẩn cấu nhiễm của chúng sanh và cái hợp uẩn cấu nhiễm này không những là nền tảng cho cái khổ trong kiếp này mà còn là nền tảng cho đau khổ trong kiếp sau. Cái khổ này nối tiếp nhau kéo từ đời này sang đời khác một khi con người vẫn nằm trong vòng vô minh.[4] Sự nhận biết về khổ ở mức độ này là sâu sắc nhất
👉 Đây là cái khổ đến từ những nung nấu dằn vặt lo toan tính toán, nói rộng hơn Là những ý định, những chủ tâm dẫn đến phát khởi những hành động trong suy nghĩ, hành động, lời nói của mình.
Việc tu tập là quan sát được những thói quen này đang điều khiển mình ra sao, thấy nó dẫn mình vào chỗ dở hơi như thế nào, từ đó mà không còn bị nó lừa nữa, và không bị nó dắt mũi nữa. Không bị lập trình tư duy dắt mũi, thì gọi là “buông” hay “từ nay không còn quay lại trạng thái này nữa”.
Như vậy, khi em đau ốm bệnh tật, hay đơn giản là vấp ngã quá đau, em vẫn có thể nhận biết trong tâm đang khởi lên câu chửi bậy hay sự giận giữ chính mình và người khác, hay tâm trong veo chỉ thấy đau là đau thôi.. Em có thể lấy bông băng thuốc đỏ làm dịu vết thương, cùng lúc đó thấy được cơn đau đang dâng lên hay hạ xuống như thế nào. Cùng lúc đó cũng có thể em sẽ thấy được những ức chế nào đang nổi lên…
Một lý do nữa tại sao quán cơn đau, hoặc khổ ở thân, lại khá hiệu quả trong việc nhận ra khổ (đau, không như ý) , vô thường (thay đổi liên tục), vô ngã (thân không phải do mình, của mình, tùy theo ý mình) .. là vì một trong những lập trình lớn nhất của tư duy con người, là tư tưởng bám chấp vào thân này là của ta, phải theo ý ta.. Nhưng khi bị bệnh đau mà không can thiệp được, ấy là lúc rõ nhất thân có theo ý ta hay không.
Như em thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc chữa thân bằng các biện pháp can thiệp (y học, năng lượng, v.v.) thì mới chỉ TẠM THỜI lùi được 1 trong 3 cái khổ của chúng sinh là KHỔ KHỔ mà thôi. Mà cái khổ đó tưởng là khổ lắm rồi nhưng thực ra vẫn chỉ là cái khổ hời hợt không thấm vào đâu so với 2 cái khổ còn lại.
Trong khi đó, nếu thực hành quán sát thân tâm khi có thể, thì có thể giải thoát được về tư tưởng, tâm lý, không còn bị cơn đau ở thân lôi kéo giật dây hay hành hạ về tâm lý nữa. Thậm chí cơn đau ở thân tuy còn nhưng việc bình thản đón nhận nó về mặt khoa học đã là thuốc giảm đau hiệu quả, so với việc gồng lên nín thở đấu đá với nó.
Vậy nên em hoàn toàn có thể thực hành cả hai: vừa có biện pháp can thiệp chữa trị trong khả năng, vừa quan sát thân tâm.
Như vậy về tâm em vẫn có sự bình thản, và về thân em vẫn đang duy trì nó để có phương tiện tu tập
Những người qua sự khổ ở thân mà nhận ra chân lý này, theo chị biết trực tiếp, đều không phải là những người cố tình không điều trị, thà nằm chờ chết để đắc đạo.
Chị trải qua 17hr đau đẻ trong sự quan sát thân tâm, không phải vì nhịn đẻ để đắc đạo, mà hoàn cảnh nó khiến mình chịu 17 tiếng đau, thay vì chống trả rên la, thì nhân đó quan sát và đón nhận.
Một sư thầy khác, bị nhiễm trùng mưng mủ quá đau nhưng trong rừng không có bác sỹ, lại là lúc 2h sáng, vật lộn đấu tranh chống trả cơn đau một hồi, thì đành buông xuôi và tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, quán sát cơn đau, từ đó thấy ra sự vận hành của tự nhiên.
Mong là câu trả lời của chị giúp em gỡ được sự nhầm lẫn.
Người hỏi:
Em cảm ơn chị Ly rất nhiều, chị giảng giải tận tâm lắm ạ. Em đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Em cảm nhận như thế này ạ.
1. Đúng thật là cái khổ do thân đau nó không xi nhê gì với cái khổ cho tâm em tạo ra chị ạ. Đau đớn có thể chịu được mà cái tâm hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi cơn đau dù qua rồi thì vẫn sợ lúc nào đó nó quay lại (kéo theo cả cái khổ do tâm tự tạo làm nhân lên gấp nhiều lần), nên tìm cách phòng ngừa, ngặn chặn, không để mình bị rớt vào hoàn cảnh như vậy thêm một lần nào nữa, và cái này thì nó chưa diễn ra thì đã tự hù mình.
2. Em không hiểu nhầm rằng các phương pháp tu thiền năng lượng chữa lành là đang tu giác ngộ. Em cũng không hiểu nhầm rằng phải để thân khổ đến chết tìm cầu giác ngộ. Nhưng đúng như chị nói, em nhẫm lẫn giữa mục đích của 2 sự can thiệp khác nhau. Vấn đề của em đang gặp là khi em tìm cách chữa bệnh cho mình, thì sẽ được dẫn đến gặp người này người kia, phương pháp này, phương pháp kia, nhưng bắt đầu sẽ gây ra cái đau khác ở thân, hoặc là những quy định bắt buộc, hoặc những cái xa hơn như là do liên quan cõi vô hình… khiến em lại bắt đầu thấy mệt, thấy khổ. Xong đến lúc em chẳng biết phải làm gì. Em cứ nghĩ là làm cái gì mà lôi thêm vào cái khổ ở thân, cái bất như ý vào cuộc sống của mình thì là đang đi sai đường. Trong khi lúc đang khổ thì không biết quan sát cho tường tận xem nó khổ như thế nào, tâm mình chống trả ra làm sao. Em nhận ra như vậy có đúng không ạ chị? Em vẫn cứ tìm phương pháp để chữa cho cái thân, việc gì xảy đến tiếp theo gây khổ thì cứ việc quan sát thân tâm, để mình đừng bị nó lôi kéo là được. Cái gì không còn thích hợp thì mình sẽ tự được dẫn dắt đến một cái khác. Việc quan trọng là luôn quan sát thân tâm cho dù cái gì có xảy đến đi nữa. Em hiểu như vậy thì đã đúng chưa chị ơi?
3. Chị có thể chia sẻ rõ hơn về Hành Khổ giúp em không ạ?
Phan Ý Ly:
Hành khổ là cái khổ mà em vừa liệt kê: “cái tâm hoảng loạn lo lắng sợ hãi, nên tìm cách phòng ngừa ngăn chặn..v.v.” Tất cả những cái khổ đó là tự mình làm mình khổ (self inflicted pains), tự dọa, tự tìm cách vùng vẫy, tự thấy bế tắc.. rồi tự đưa mình vào các tình huống sai xấu..Việc tìm phương pháp để chữa cũng phải trong chừng mực, bởi sự lo lắng thái quá cũng khiến mình thiếu điềm tĩnh sáng suốt, nhiều khi còn dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. Vậy nên việc quan sát thân tâm, tức là có trí tuệ, cần đặt lên hàng đầu. Trong sự tỉnh táo và điềm tĩnh đó thì việc đánh giá hay gặp được các phương pháp đúng tốt cho mình mới khả thi.
Nếu thực sự buông xả về tâm lý, đón nhận bất cứ điều gì dù là tồi tệ nhất, trong sự điềm tĩnh sáng suốt, thì đó chính là tự do và giải thoát.
Người hỏi:
Dạ vâng, em hiểu rồi chị ạ. Em biết ơn chị nhiều
Phan Ý Ly:
Như chị đã nói, bài học giác ngộ rằng cơ thể này không do mình, của mình, theo ý mình.. là một trong những bài học khó nhất. Nếu em thấy mình cứ phải học đi học lại bài đó, có lẽ thử thay đổi thái độ và nhìn nhận thật trung thực xem sao?