Tự sự – Mê cung và Thực tại

Khi tỉnh khỏi cơn đại mê của tâm trí, nhận ra hàng loạt câu hỏi, giáo điều, lý lẽ, toan tính, hình dung, tưởng tượng… hóa ra rốt cuộc cũng chỉ là những lối mê cung ngoăn nghoèo khiến mình cứ mắc mãi trong mê cung đó.

Cứ tưởng dùng đầu óc lý luận để thoát được khỏi mê cung, nào biết mê cung được dựng lên bởi lý luận.

Bặt niệm, quay lưng với mọi lý luận, toan tính.. thì lập tức rơi khỏi mê cung.

Rơi khỏi mê cung rồi không có nghĩa là mất khả năng lý luận, mất khả năng cảm thọ, mất khả năng suy nghĩ, tính toán, sáng tạo, tưởng tượng.

Chỉ đơn giản là trước đây chúng là mê cung vì ta bị lạc trong đó, thì bây giờ chúng là đường ta rõ biết. Không còn nhầm lẫn, không còn đi lạc. Ra vào tự tại.

Ngày ta ra khỏi mê cung và nhận ra toàn bộ ý nghĩa của sự tu hành và các phương pháp quán chiếu, niệm, tụng, giữ giới, hành thiền.. ta cười như một kẻ điên.

Ta nghĩ đến Sư, ta cười không ngậm được mồm, ta nghĩ đến Phật, ta cười chảy nước mât, ta cười cái trí tưởng tượng cùng bản ngã tu tập của mình bấy lâu nay.

Kể từ đó, lần đầu tiên đứng trước Phật, ta thực sự cảm nhận một sự đồng điệu và cô đơn sâu sắc, đi kèm một sự nhớ nhung. Một sự khâm phục tận đáy lòng, cho Ngài, cho ta, cho mọi hành giả đang tự đốt đuốc lên mà đi.

“Đôi mắt Phật từ bi

hiền hoà và mềm mại

có lần mình thử mãi

bắt chước đôi mắt này

“Có lẽ là đức Phật

Phải rất là lạc quan

Mắt long lanh sáng rõ

Tự tin và hiên ngang..”

Một lần khác lại thử

Đôi mắt Phật ngàn năm

Có chút gì mộng mị

Có chút gì xa xăm

Thần thái của Đức Phật

toả khắp như hào quang

Có lẽ ngài rất chất

Phong độ và sáng choang

Cạnh ngài, hẳn ai nấy

bồi hồi rung động ngay

Đức Phật – chánh đẳng giác

Phải rất là cao tay!

Hôm kia ngồi an tịnh

mọi thứ bỗng buông rơi

khái niệm và mơ tưởng

tan hết vào chơi vơi

trần trụi ta ở lại

mộc mạc và ngác ngơ

chớp chớp đôi mí mắt

hết rồi, bao năm mơ!

nhìn quanh cười e thẹn

nhìn mình cười ngẩn ngơ

Phật mồm ngang mũi dọc

Thấy ngài? Tùy căn cơ!

Đơn sơ và giản dị

Mộc mạc, chẳng thêm gì

Tu hành hay sửa lốp

Phật – shipper khác chi

hi hi hi “

Nhà ta chưa bao giờ trưng tượng Phật, giờ ta nhìn Phật như người tri kỷ, chí cốt. Như ông bạn phương xa cả về thời gian lẫn không gian. Một ông bạn ngầu lòi, thẳng thắn, đầy trí tuệ và sự tỉnh táo.

Mỗi ngày sau đó, ta nhìn cuộc đời bằng con mắt mới, con mắt của người không còn phải nhìn qua bộ lọc của bao tư tưởng, khái niệm. Thì ra núi vẫn là núi và sông vẫn là sông. Bỏ cái bức màn lý luận đi thì chỉ có vậy.

Thì ra cái BẢN NGÃ TU HÀNH nó tạo nên nhiều cái tưởng hơn cả cái Bản Ngã của một người cùng đinh thất học quanh năm chỉ lo cơm áo gạo tiền.

Ta thấy mình không còn say mê sách. Rối quá. Thừa quá. Lan man quá. Lắm giả định quá. Nhiều tưởng tượng quá. Mất thời gian quá.

Ta bất ngờ thấy hoan hỉ với những công việc tay chân như nhặt rau, rửa bát, chơi đàn. Thiên đường trên hạ giới nó rõ mồn một và hiện tiền chứ đâu mong manh ảo ảnh như đám mây mù của suy tưởng lý luận mà ta tự dệt rồi mê ngủ trong đó bao năm?

Hạnh phúc thay cho những ai vỡ mộng.
Mộng vỡ rồi, giờ là lúc thảnh thơi
Vỡ mộng về con người, về hạnh phúc lứa đôi
Về từ bi, về chay với mặn
Về lòng tốt, về tiền nong, và về danh phận
Về làm vợ, làm chồng, làm mẹ, làm cha

Mộng vỡ rồi sống thực tế đi nha
Thực tế mà không phải là thực dụng
Thôi không còn ngày đêm dệt mộng
Chạy trốn cuộc đời trong ảo vọng viển vông.

Nội dung trò chuyện của người bán rong thường thực tiễn và chạm đất hơn với người đang hành đạo. Năm nay kiếm được bao tiền, đẻ mấy đứa rồi, đang ốm hay đang khỏe, chiều về định làm gì.. ngay ngắn rõ ràng mạch lạc.

Ta ngán ngẩm, buồn cười, và thương cảm trước những tranh biện sợi tóc chẻ tư, móng tay tách sáu. Những lý luận nghe cao siêu khó hiểu mà ta từng say mê giờ nghe như nói mớ. Thậm chí ta ngạc nhiên những thứ đó từng được tôn vinh, ôi chỉ làm cho người ta vào sâu hơn với cái Tưởng to đùng. Rồi ta bật cười, chẳng phải chính ta cũng phải tưởng cho hết cỡ tới mức sợi tóc chẻ tám, bế tắc rồi mới chịu buông đó sao. Hàng đa văn ưa lý luận ắt là thường đi qua con đường như vậy!

Ta nhận ra cái reconstructed reality trong tâm trí ta – tức cái thực tế ảo mà ta từng sống và “vùng vẫy” trong đó, nó chỉ là cái đáy giếng.

Ngày ra khỏi mê cung, ta mới bắt đầu mon men như một đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, tập những bước đi đầu tiên vào thế giới thật. Mọi thứ đảo lộn hết cả. Ồ thì ra là vậy. Ta thấy như người sống lộn từ trong ra ngoài. 10 năm trước đã lộn một lần, núi hóa ra không phải là núi, sông hóa ra không phải là sông. Giờ tỉnh ra lộn lại như trẻ sơ sinh: núi đích thị là núi, sông thì chính là sông.

Trước đây ở dưới giếng

Nhìn lên thấy bầu trời

Đinh ninh: trời trong giếng

Giếng bao quanh bầu trời

Rồi một ngày ngấp nghé

Gần miệng giếng, nhìn lên

Giật mình, ôi trời bể

Ấy sao mà mông mênh

Nay biết rời khỏi giếng

Mới ngỡ ngàng nhận ra

Bầu trời bao la quá

Giếng kia bé xíu hà

Trước – bầu trời trong giếng

Nay – giếng trong bầu trời

Nhân sinh quan đảo ngược

Không thể nói thành lời

Tưởng đây là đích đến

Ra khỏi giếng là xong

Không ngờ tâm trống rỗng

Giờ mới tập dụng công

Vẫn bờ rêu, đám cỏ

Vẫn thành giếng, nước ngầm

Nhưng Tâm Không sáng tỏ

Nhìn mọi vật không lầm

Xưa người ngủ giấc sâu

Mơ màng trong giấc mộng

Học nhiều thứ đâu đâu

Với cái tâm rất động

Nay người tỉnh giấc mộng

Biết đâu là thức, mê

Nhìn cuộc đời sống động

Toàn diện, ngoài Tỉnh – Mê

Kiến thức và trải nghiệm

Một lần nữa tái sinh

Dãi bày theo thực nghiệm

Phân tích cũng mới tinh

Mọi lập luận, phân biệt

Không còn gây chướng tri

Trái lại, thật sắc lẹm

Tư duy càng tinh vi

Trước tái sinh, cười mãi

Tưởng cười vậy xong rồi

Nay haha cười tiếp

Hóa ra mới tập ngồi

Chưa tu thì sống với cái bản ngã đầy ám ảnh về sự sinh tồn với thực tại, nên núi là núi, sông là sông. Bắt đầu tu thì hình thành bản ngã về khái niệm sắc-không, nên núi không phải là núi, sông không phải là sông. Tỉnh ra rồi thì không còn lạc vào bất cứ cái tưởng nào dù nhân danh sinh tồn hay mang màu sắc đạo, cho nên núi lại vẫn là núi, mà sông vẫn lại là sông.

Trong cái thực tại mà ta đang thấy này, đa phần là những con người đang chạy lông nhông lăng xăng nhưng với đôi mắt nhắm, quẩn quanh trong cái đáy giếng của chính họ. Gọi họ là người nhưng thực ra là những nhân vật do cái tưởng của họ tự sắm vai, những bản ngã đang khua dao múa kiếm, chọc lung tung, gây sứt đầu mẻ trán cho nhau mà lại cứ tưởng mình đang bón cơm, tưới cây, chăm sóc, nâng đỡ, giúp ích gì đó cho nhau.

Ta giật mình tới nổi da gà nhận ra mình cũng từng là kẻ bịt mắt, cầm dao múa kiếm. Mình cũng từng hung hãn lăng xăng vung tay điên loạn với đám người kia.
Thế đếch nào mà mình chưa chết nhỉ.

Sinh tồn với đôi mắt nhắm trong một thế giới mà đa phần những người sống trong thế giới đó đều đang mơ ngủ, tự tưởng tượng ra các cõi đấu tranh, giằng co, lý tưởng, áp đặt.. khác nhau, dùng dao kiếm mà tưởng hoa hồng, chọc vào mắt mũi nhau mà tưởng đang bón cho nhau ăn… mà còn sống được tới giờ thì quả là phúc dày.

Ta cười ha hả khi nhận thấy nhẽ ra ta đã có thể mất xác từ lâu rồi, còn được sống tới giờ trong đám đông nguy hiểm, lẽ nào không thấy biết ơn?

Nhận ra chân tướng loài người, ta càng tâm đắc khi nghe Sư hỏi một Phật tử: “Con đã nhận ra ảo tưởng của mình về con người chưa???”.

Nhận ra chân tướng loài người, ta càng thấy mình dễ dàng và kiên nhẫn. Tội ác của con người không còn làm ta ngạc nhiên, cũng chẳng làm ta căm phẫn. Có chăng là cái chép miệng: Ngu thì nó vậy. Thương nhiều hơn giận.

Ta cũng không còn niềm tin vào điều gì cả. Bởi nếu thấy rồi thì tin để làm gì. Người ta chỉ tin khi chưa biết một điều gì đó, nên mới đành tạm ứng niềm tin cho một sự giả định rồi thầm hi vọng nó sẽ thành sự thật. Thấy biết rõ ràng thực tại sờ sờ rồi thì tạo ra thực tế ảo trong tâm để bám vào đó mà tin, để làm gì, ngoài việc tạo ra sự cứu rỗi giả tạm cho bản ngã đang điên loạn vào những giây phút khốn cùng?

Rồi ta nhìn những ngưởi điên tường mình đang tỉnh mà tội cho họ. Đúng là trong nhà có báu mà cứ tìm kiếm ở đâu?

Còn sồng đây, còn thở đây, còn có chỗ che mưa nắng, còn có cái gì cho vào miệng.. là có phúc lắm lắm rồi. Nhưng tâm trí lắm lời và nhiều mộng tưởng phải tạo ra những niềm tin kinh hoàng về thực tại, những hứa hẹn hão huyền ở tương lai, những ký ức đa phần sai lệch về quá khứ.

Quả là khi ngập trong mộng tưởng, thì sống không bằng con chó. Một con chó đơn giản, không có trí thông minh nhưng cũng chẳng xa rời thực tại. Con vật chỉ tấn công khi sự sinh tồn trực tiếp của nó bị đe dọa. Con người có thể tấn công bất cứ ai khi cái TƯỞNG của họ bị đe dọa. Vậy nên trí thông minh vào tay kẻ vô minh, lại là vũ khí nguy hiểm.

Trí thông minh như cặp kính thực tế ảo – cũng rất thông minh. Nhưng thông minh tới đâu thì thực tế mà nó tạo ra vẫn là ảo. Người có trí thông minh mà không biết tháo cặp kính thực tế ảo ra để nhìn biết rõ ràng thực tại, thì vừa ngu vừa nguy hiểm không khác nào người đang đeo kính thực tế ảo, cầm dao, cầm kéo, đấm đá vào không trung giữa chốn đông người.

Đã ngu, nguy hiểm, lại còn còn cố gắng ngu và nguy hiểm nữa thì nguy hiểm thêm gấp bội phần.

Như người đeo cặp kính thực tế ảo CỐ GẮNG dùng hết sức bình sinh để vớ mọi thứ quanh họ mà đánh nhau với con quái vật trong mơ. Khi thực tế họ đang ở chốn đông người, không có con quái vật nào. Dù việc đánh nhau với quái vật là trong thực tế ảo của họ, nhưng việc họ bị người khác oánh cho thật, thì không phải bàn cãi. Đó là chưa kể người khác cũng đang đeo cặp kính thực tế ảo bóp méo mọi thực tại.

Rõ ràng đang trong Niết Bàn, nhưng đeo khư khư cặp kính kia thì ngập trong Sinh Tử. Tháo đôi kính ra thì ngay đây đang là Niết Bàn.

Nên ta cười khi ai đó than
“sao tôi thông minh thế này mà cứ khổ hoài?”
“sao tôi đã cố gắng lắm rồi mà toàn bị đẩy vào chỗ cùng cực?”
Ta lại cười. Ta chỉ có thể nói: Thôi, mở mắt ra mà nhìn đi.

Chính mình có mắt, thôi tưởng tượng.
Mở mắt ra đi, hỏi làm gì.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s