Chuyện càng hay, kẹt càng lâu

Ngỡ ngàng thay

Phát hiện ra TÂM CHÓI SÁNG thực ra không có nghĩa lý gì nhiều nếu như:

– coi tâm chói sáng đó là ta, của ta rồi ngủ quên trong niềm tin đó

– tự tạo ra hoặc tiếp tục dính mắc vào các ảo tưởng, suy luận vào “tâm chói sáng”

Ngay trong sự dính mắc này, bản ngã trước đây tự nhận mình là cu tèo, cái hĩm, cô Ly, anh Cốc.. nay nó lại dùng chính sự uyển chuyển tuyệt vời của nó để nhận nó là Tâm Chói Sáng, Tánh Biết, Vô Ngã..

Nguyễn Thị Tâm Chói Sáng 

Lê Văn Tánh Biết

Đào Thị Vô Ngã

Trước đây trong nghe là bao lời bình luận, trong thấy là bao nhiêu câu chuyện, diễn giải, giật dây.. khiến cho một người dù thân ở đây nhưng tâm trí luôn ở trong những toan tính, quá khứ, tương lai, lo lắng, bồn chồn.

Thì bây giờ, tại tầng mơ mới, thay vì những lời bình luận sặc mùi cơm áo gạo tiền và đua tranh thì nay trong nghe trong thấy là những lời bình luận khác đầy thần tiên ảo diệu, dù là bình luận về vũ trụ vô biên hay cái ta sống mãi.. thì vẫn chỉ là những lời bình luận không hơn không kém. 

Khái niệm về Tâm Chói Sáng hay Tánh Biết được bản ngã khéo léo dùng để làm tấm áo trá hình, làm tấm vải che mắt hành giả nhìn thấy thực tại như nó thực đang là.

Vì bị che mắt nên bản ngã tưởng rằng Tánh Biết hay Tâm Chói Sáng chính là cái nó đang tìm để mà bám vào và tôn vinh, từ đó thói quen bám trụ và lý tưởng hóa lại được tiếp diễn. 

Hành giả mắc kẹt ở điểm này đa phần đã trải nghiệm và chứng thực được khoảnh khắc thấy biết trong sáng. Nhưng rất nhanh sau đó quán tính kể chuyện của tâm lại trỗi dậy, thêu dệt và tiếp tục nhận cái gì “hay nhất”, “ý nghĩa nhất”, “trendy nhất”.. là MÌNH. Vì thế khi kẹt ở đây, hành giả  bắt đầu nhìn mọi thứ qua lăng kính của NIỀM TIN và CÂU CHUYỆN về tánh biết. Dù niềm tin này giúp họ bỏ đi nhiều bám chấp nhỏ mọn khác nhưng nó vẫn khá cồng kềnh, và nguy hiểm hơn, nó vẫn là bức màn ngăn che họ với thực tại đang là.

Nhìn thực tế qua một tấm kính trong suốt thì vẫn không thể bằng nhìn thực tế không qua một tấm kính nào.

“Này Bahya, trong nghe chỉ có nghe, trong thấy chỉ có thấy, không có ông trong đó!” – Đức Phật

Trong quá trình quan sát tâm, khi nhận ra bản chất vô thường của hiện tượng được quan sát, tới một lúc nào đó sẽ nhận ra tâm chói sáng. Điều hiểu lầm ở đây là Hành giả túm lấy “tâm chói sáng” này và trụ tại đó, gán cho nó nhiều phẩm chất nhiệm màu, kể cả phẩm chất là “không có phẩm chất gì”, rồi chìm đắm trong lý thuyết về nó, đi đứng nói cười không tự nhiên mà luôn có lời bình luận về tâm chói sáng dẫn lối và diễn giải thực tế trong đầu 

Và bởi đã nghe và đọc nhiều trong cả Advaita Vedanta lẫn một số kinh luận Phật Giáo về tánh biết, về về tâm chói sáng.. nên hành giả càng tưởng rằng phải trụ, phải an trú tại đó. Ngay khi dùng ý chí siêu êm siêu thấm siêu tinh vi để khẽ khàng “lấy tánh biết làm gốc” thì vẫn có “ai” đang “lấy” tánh biết làm gốc.

Thế nên mới có người nói rằng “ôi 30 năm nay tôi quan sát lại quá chú ý tới đối tượng, không ai bảo tôi phải quay lại mà nhận ra thứ gì đang quan sát những đối tượng đó. Giờ đây tôi tìm được rồi, tôi xong việc rồi”.

Uầy không, kiến tánh mới khởi tu thôi 😅. Anh mới lờ mờ nhận ra cái nhìn trong sáng thôi.. 

Dù nó là sự chứng thực quan trọng để anh không còn nghi ngại. Nhưng lại nhận nó là đích đến, là nơi an trú.. và nguy hơn, còn tôn nó lên thành bất cứ cái gì để rồi sống trong niềm tin đó, thì hành giả lại quay về mo, tức là lại sa lưới của bản ngã ưa kể chuyện và hình thành lý tưởng mất rồi.

Và rồi, bạn thấy mình loay hoay mắc kẹt trong khái niệm về “không ai đang làm gì cả”. Vì loay hoay trong khái niệm đó và vì bị nó chi phối, nên bạn ngần ngại khi xưng hô, rụt rè khi ra quyết định hay làm bất cứ chuyện gì, vì bạn sợ như vậy bạn không còn là tánh biết trong sáng nữa.

Bạn có thể trải nghiệm và sống mà không mắc vào câu chuyện nào trong đầu, không vơ vào và biến mọi thứ thành mình, do mình, vì mình, tại mình không? 

Khi bặt dứt tư tưởng khái niệm, khi không còn cái ta nào để trụ vào nương tựa cho yên tâm, khi không còn câu chuyện nào để làm điểm tựa nhìn đời..  Thì chỉ còn thân, thọ, tâm, pháp.. chảy trôi như nó đang là. Cái nhìn về thực tại không còn bị chi phối bởi bất cứ câu chuyện hay niềm tin nào trong tâm. Đơn giản chỉ là cái thấy trong sáng, cái nghe trong sáng, cái biết trong sáng.

Loay hoay tra cứu nghĩa Không

Muôn đời chẳng gặp mất công kiếm tìm

Trở về tâm trí lặng im

Chợt nghe chim hót tiếng chim gọi bầy 

(Viên Minh)

Ai mà có thể chấp nhận rằng khoảnh khắc ngộ trong khúc thơ trên, chỉ là nghe tiếng chim hót giản dị như nó đang là thôi?

 Bạn có chấp nhận được sự giản dị vô nghĩa này không? 


#ThựcTậpNhưLà  

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s