Bản ngã giác ngộ

Khi một người nhờ đọc nhiều và tổng hợp thông tin đủ rộng, đủ sâu, thì sẽ có một lượng kiến thức rất đúng và rất khá về bản chất của thực tại.  

Cũng nhờ lượng kiến thức này, mà có thể hành vi và thái độ sống của người đó thay đổi, phù hợp với nhân sinh quan sâu sắc (do thuộc lòng).

Tuy vậy, nếu để ý kỹ, sẽ thấy một số điểm chênh, cho thấy đây mới chỉ là sự giác ngộ của bản ngã, tức là bản ngã được học thuộc lòng triết lý về tánh không, về khổ, về vô thường, vô ngã..v.v.
 Chứ không phải sự giác ngộ của người đó về chính mình, về tánh không trong mình, về khổ trong mình, về vô thường, vô ngã trong chính từng nhịp sống nơi mình. Sự giác ngộ này không một kinh sách nào có thể dạy được, không một cuốn sách nào có thể viết ra được. Mỗi người chỉ có thể tự chiêm ngoạn và nhận ra nơi họ, mỗi ngày, từng chút, vậy thôi. 

Một bản ngã cầu toàn, ưa kiểm soát, thích hoàn thiện, giỏi phân biệt.. mà học thuộc và được dạy cho các triết lý thâm sâu về bản chất rỗng không của thực tại, thì sẽ thành thế nào? Liệu nó có trở nên chua cay, bế tắc, mỉa mai, thấy thêm tách biệt giữa “ta” và “người khác” hay không? Liệu cuộc sống với nó có trở thành một sự “hi sinh”, một cơn “thống khổ” hay không? Liệu nó có tự cho rằng không ai hiểu được nó, chỉ có nó là cô độc và lẻ loi vì nó quá vĩ đại hay không?

Hay ngược lại, liệu nó có tự khoác lên mình một vai trò cứu thế, một trách nhiệm với cuộc đời, một vai diễn chỉn chu mực thước? 

Khi giác ngộ thực sự, tức là dập hết không còn ảo tưởng nào nơi mình, người ta nhu nhuyễn hoà quyện và vô cùng dễ sống. Mất đi mọi ảo tưởng tự động đem tới một sự khiêm tốn tự nhiên, dù phân biệt được rõ giữa mê và tỉnh, giữa trình độ nhận thức nơi mình và người khác, nhưng sự phân biệt này chỉ càng làm cho người ta thêm thấu hiểu và mở lòng với nhân sinh, từ đó là một sự từ bi rất dung dị, rất con người, không phải giữa một kẻ bề trên vĩ đại vì giác ngộ với một kẻ còn u mê, mà đơn giản chỉ là thấy được bản chất của sự sống nơi mình không khác gì nơi người khác.

Bình luận về bài viết này