Hiểu lầm lớn trong Thiền

1. Sự lệch và lạc thường thấy trong các phương pháp hành thiền

Mấy năm nay nhờ được nghe kể, mình mới thấy đa phần các phương pháp thực hành thiền có xu hướng CHỈ tập trung vào một khía cạnh nào đó để khám phá thực tại con người. Ví dụ, một số phương pháp sử dụng niệm chú để giúp tập trung trí óc, một số khác lại chỉ định người thực hành trụ lại, lần dò theo các cảm thọ trên cơ thể để neo sự chú ý, một số khác lại đòi hỏi người thực hành phải biết kiểm soát hoặc quan sát cảm xúc. Dù rằng những kỹ thuật này có thể mang đến lợi lạc nào đó, nhưng rất ít người nhận ra được rằng chúng không đáp ứng toàn diện cho sự phức tạp và cách vận hành vi tế của con người, vốn được tạo thành từ những trạng thái tâm lý, cảm xúc, thể xác, và các lớp năng lượng khác nhau. Những yếu tố “đất, nước, lửa, gió” này liên tục giao thoa và liên kết chặt chẽ với nhau.

Ví dụ, nếu khi thực hành ta chỉ tập trung duy nhất vào cơ thể, như việc thiền rà soát (scan) các cảm thọ, điều này khiến tâm trí đang lăng xăng bỗng có “việc kiên định để làm” và vì vậy tạo ra một sự nhậy bén cao độ về cơ thể, đi kèm với một trạng thái bình an tạm thời. Tuy nhiên, phương pháp này lại không giúp thiền sinh thấy ra và nhận thức rõ ràng được những mô hình tâm lý và cảm xúc tuy ẩn sâu hơn nhưng vẫn đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới hành vi và sức khoẻ tinh thần của người đó.

Tương tự như vậy, tuy việc niệm chú có thể giúp lắng dịu tâm trí bất an và giúp định tâm tạm thời, nhưng cũng không mang lại tuệ tri, tức là sự hiểu biết như thực về mô thức cảm xúc đan và các lập trình tư duy cũng như những định kiến đang từng giây phút chi phối và điều khiển người đó.

2. Rào cản vi tế đến từ bản ngã thiền

1 tháng trước mình có tới chùa thăm thầy, và tình cờ được hai Phật tử bắt chuyện vì các anh nhận ra mình trên mạng xã hội. Qua tâm sự và câu hỏi của các anh, mình biết là các anh đã cùng tu tập với nhau nhiều thập kỷ nhưng theo lời các anh thì “vẫn chưa tới đâu”, mặc dù ghi nhận lợi ích của việc tập trung trong thiền định đã khiến các anh phản ứng chậm hơn với những bất bình trong cuộc sống, và trở nên điềm tĩnh hơn. Tuy vậy, sau khi trò chuyện hết buổi trưa, thì một anh mới chia sẻ rằng mấy tháng trước, sau khi chuyển sang phương pháp thử cố đọc chú bằng tiếng Phạn, anh bắt đầu có biểu hiện lạ như đạp đổ ban thờ, bắt ấn, la hét, mặt mày tái dại, làm nhiều hành động kỳ quặc.. Gia đình đã ép anh nhập viện tâm thần. Tuy nhiên vì tu tập lâu năm nên anh cho rằng đây có thể là một sự suy nhược thần kinh hay cái gì đó tương tự, thậm chí có thể do ma quỷ nào đó nhập vào điều khiển, tác động vật lý lên anh. Và 1 tháng nay sau khi cự tuyệt thuốc an thần của bác sỹ, anh quyết định buông hết không tìm kiếm hay định tâm, đọc chú gì nữa, thì hiện giờ như lời anh nói là “Gia đình và bác sỹ đang đợi xem lúc nào anh điên vì ngưng uống thuốc cho anh trắng mắt ra, nhưng 10 ngày rồi anh chưa bị sao”.. Câu chuyện với 2 vị huynh đài này còn dài và phong phú, nhưng với mục đích của bài viết, mình chỉ kể tới đó thôi.

Quay lại với sự thiên lệch, một bề trong các phương pháp thiền, thì chính sự thiên lệch “lấy/bỏ” này nó là tác nhân dẫn tới sự mất cân bằng. Ví dụ, khi một người cứ cố định tâm để có được một tâm trí vắng lặng, thì chính sự định tâm đến từ nỗ lực của bản ngã này lại là thứ đè nén và lờ đi những cảm xúc hay suy nghĩ khó chịu, về lâu dài tạo thêm sự che lấp, tức là càng thêm vô minh.

Sự đè nén, chất chứa thêm đó không giúp người ta thấy ra được những vấn đề còn đóng cặn bên dưới, đã thế còn có xu hướng trở thành công cụ để lờ đi các vấn đề của mình, nhân danh tu tập (tiếng Anh gọi hiện tượng này là Spiritual Bypassing). Tức là sao nhỉ, là phương pháp thực hành thiền thay vì giúp người ta đối diện và thấy ra được sự thật, trớ trêu thay, nay lại bị sử dụng để đè lên và bỏ qua những thách thức sâu thẳm hơn về tâm lý và cảm xúc.

3. Liên minh vi diệu – ảo tưởng hay giác ngộ là có thấy được chỗ này hay không

Chính vì sự liên kết, đồng bộ, và tương tác vô cùng tinh tế giữa các yếu tố tinh thần, cảm xúc, cơ thể, tâm lý.. mà con người mới bị “đánh lừa” thành công, từ đó sinh ra ảo giác về bản thân và hiện thực, từ đó càng thêm vô minh và thiếu quân bình. Con người khốn khổ ít khi hiểu rõ được cái gì đang là động cơ hành vi của mình, hay sự tương quan giữa suy nghĩ, cảm xúc, và cảm thọ. Rất hiếm khi một ai đó rõ biết sự vận hành và tương giao giữa các yếu tố thân, thọ, tâm và pháp để rồi từ đó có đủ trí tuệ để giải thoát khỏi ảo tưởng. Và vì không thấy rõ được thực tại như vậy nên cứ mãi luẩn quẩn trong vô minh và đau khổ, thậm chí từ khốn khổ người ta trở thành khốn nạn lúc nào không hay 🥹

Khi một người hiểu rõ bản chất của tâm thức cũng như sự tương giao giữa các yếu tố làm nên trải nghiệm đang là, khi đó chính là lúc tuệ giác phát huy. Chính tuệ giác hé lộ cho thấy tâm thức không phải là một thứ gì cố định, khác biệt, hay tách bạch khỏi cái thực tại mà nó đang quán chiếu. Tâm cũng chính là những yếu tố tạo nên trải nghiệm của tâm, chứ không phải chỗ kia là tâm còn chỗ này thì không phải là tâm. Cho nên việc rình mò, chối bỏ hay bám trụ vào đâu thì cũng đều nực cười, như cá đi tìm nước dưới biển sâu vậy. Những yếu tố dù là biểu hiện vật lý, là xúc giác, cảm thọ, hay chính ý thức đang tiếp nhận và dán nhãn, hay ngay cả các trạng thái tâm nuôi dưỡng ý định, nung nấu.. đều cùng nhau cấu thành một thế giới quan đầy sinh động mà tâm đang trải nghiệm. Nói là tâm tự mình chơi ú tim với mình cũng không sai.

4. Cơ chế chuyển hoá và quân bình

Lúc thực chứng trực tiếp được trò chơi ú tim này của tâm và các yếu tố cấu thành trò chơi đó, thì tiến trình giác ngộ và giải thoát cũng bắt đầu. Tâm tự chuyển hoá thói quen nắm giữ hay đồng hoá mình với biểu hiện nào đó của nó. Cần nhắc lại một lần nữa là cũng chính sự đồng hoá này là gốc rễ của khổ đau, khi tâm bị bó buộc vào những biểu hiện vốn đầy biến động của thực tại, người miền nam hay gọi là “đèo bòng” đó 😅

Khi tâm nhận ra được bản chất này của các tác nhân trong trò chơi “ú tim”, và khi sự nắm giữ được nới lỏng dần rồi tự tan rã, sự quân bình (mà ta hay gọi là an lạc) tự hiển lộ. Ta tạm lấy ví dụ như cái trục con lắc trong kiến trúc xây đình chùa ở Nhật Bản xưa, nhờ được thả tự do và chỉ neo một đầu, nó được phép giao động đối ứng với mọi tình trạng động đất, đảm bảo cân bằng cho toà nhà và vì thế không bị đổ sập trong thiên tai. Hay lấy ví dụ đơn giản hơn nữa, trong khiêu vũ khi ta nắm tay một ai đó quá chặt thì cả hai người đều không thể chuyển động theo các bước nhảy khác nhau được vì bàn tay bị mắc kẹt vào nhau, không cho phép cơ thể linh hoạt. Cũng như vậy, nhà bác nào có cửa, nếu bản lề bóp quá chặt thì cửa không thể linh hoạt đóng mở.

Sự nhu nhuyễn và linh hoạt của tâm cũng hoạt động như thế, khi không thủ giữ, bám trụ, thì tâm tự động quân bình, nhẹ nhàng đối ứng với mọi thiên biến vạn hoá (người ta cũng gọi là tâm vô sự). Sự quân bình này hoàn toàn không phải do ai đó nỗ lực tạo ra hay cần phải liên tục duy trì (mặc dù đây chính là hiểu lầm lớn của nhiều phương pháp thiền); thay vì đó, sự quân bình và nhu nhuyễn này tự hiển lộ, tức là tâm tự trở về trạng thái quân bình vốn có, khi không còn túm bắt, scan hay bám trụ vào biểu hiện.

5. Thấy biết Thuần khiết và Tuệ giác

Và sự “tự trở về” ấy có được chính là nhờ tuệ giác, nhờ cái tỉnh thức, thấy biết thuần khiết bản chất của tâm. Sự quân bình này giải phóng tâm khỏi thói quen trói buộc hay đồng hoá với thân, thọ, tâm, hay pháp, từ đó uyển chuyển linh hoạt và vô ngại trước mọi diễn biến.

Tuệ giác, hay sự hiểu biết trực tiếp, toàn diện, không qua sách vở hay lý thuyết này, chỉ có thể thực sự hoàn thiện khi các yếu tố thân thọ tâm pháp hay cảm xúc, cơ thể, tinh thần, tâm lý, hoàn cảnh.. được chứng kiến tự nhiên, cùng lúc, không có sự chuẩn bị từ trước, đúng như cách mà cuộc sống vận hành. Đây là điều rất quan trọng. Chính vì thế mà khi nói tới thiền không phương pháp, là nói tới việc để cho mọi biểu hiện được tự nhiên hiển lộ theo cách nó đang là, không lăm le rình rập, không dùng ý thức để thấy biết. Điều này càng nhấn mạnh không chỉ tầm quan trọng của “liễu liễu thường tri” (mỗi lúc đều thấy biết) mà còn là trí tuệ và sự giác ngộ được ý nghĩa của những gì được chứng kiến. Chính sự giác ngộ này giúp người ta nhận ra được bản chất của thực tại, từ đó giải thoát khỏi sự bám chấp và khổ đau.

6. Điệu cha-cha-cha giữa bản ngã và thấy biết thuần khiết trong đời sống hàng ngày

Tuy thế, trong hoàn cảnh tự nhiên của đời sống, con người với tâm trí ưa dính mắc và bám chấp sẽ cần một thời gian lớn để dần nhận ra và thanh lọc được những thói quen này của tâm. Một người biết “thiền” đúng đã quá hiếm hoi, trong số những người thiền đúng đó, lại không bị các bám chấp nhân danh tu tập khác che mờ hết lớp này đến lớp khác, thì lại càng hiếm. Tới đây mới càng hiểu ra vì sao ít tài liệu hay người giảng nào chỉ ra ngay cái thực, cái bám chấp đang hiện hữu nơi người tu, mà đa số chỉ rao giảng về đạo đức, triết lý, mô tả tâm thế này hay thế khác. Nhu cầu có nhưng ít, thì lấy đâu ra cung.
Sự hiếm hoi này cũng đến từ chính quán tính bám chấp và thành kiến nặng nề, vi tế, mà bản ngã vận hành, che lấp đi cái thấy biết thuần khiết. Nhiều người sau cả lộ trình dài cùng nhiều năm tu thiền, tìm đạo, vẫn cứ quẩn quanh không rõ ràng hay chắc chắn liệu họ có đang thấy biết như thực hay vẫn đang qua cái thấy của bản ngã. Mình hay gọi việc nhận ra rồi mắc lại, thấy rồi lại bị che, cứ lúc được lúc chăng, gây hồ nghi .. giống như một điệu nhảy cha-cha-cha giữa thấy biết thuần khiết và bản ngã vẫn còn đang mạnh mẽ, chưa tan rã hẳn.

Lớp Nhu Không ra đời trong bối cảnh như thế, để người tham gia trong 7 ngày tự nhận ra rõ ràng thế nào là thấy biết như thực giữa muôn vàn biến động và sự sinh diệt tinh vi của các yếu tố cấu thành. Mặc dù đã sáng suốt thì ở đâu trong cuộc sống cũng có thể thấy biết được như thực, nhưng để bản ngã lòi ra, cho người ta thấy rõ mồn một là nó đang cản trở từng thứ nhỏ nhất trong đời sống, từng quyết định, ứng biến.. thì không dễ. Không dễ là bởi vì sự đồng hoá quá mạnh mẽ đến nỗi người ta sẽ lờ đi các biểu hiện nhỏ nhất, và chỉ lờ mờ nghi vấn khi một bất hạnh nào đó ập đến. Trong lớp Như Không, các hoạt động được thiết kế có sự thách thức đủ hài hước, đủ tự nhiên và đa dạng để tâm trí được bộc lộ một cách chân thực nhất. Đó cũng chính là khi người thực hành nhận ra và thực chứng được ngay tại chỗ à, bản ngã giật dây là như thế, bị che lấp nghĩa là như vậy, thấy biết thuần khiết là như thế, nó nhẹ nhàng, phi nỗ lực như vậy, ah, tâm nhu nhuyễn là như thế, hoá ra đều có sẵn trong mình.

7. Thấy “nguyên con” – tự do đầu tiên khi nếm mùi thấy biết thuần khiết

Là người thiết kế và điều phối, mình (Phan Ý Ly) có cơ hội quan sát trực tiếp người thực hành trong quá trình họ thực hiện hoạt động, những hoạt động trẻ thơ đơn giản như vỗ tay, hát một bài tự nghĩ ngay tại chỗ.. Điều này khiến mình cùng chỉ ra cho họ thấy rõ được rất chính xác lúc nào họ đang tỉnh táo và lúc nào đang bị bản ngã giật dây, dù chỉ là một hoạt động vỗ tay đơn giản. Hiện trường rõ ràng cũng giúp mình chỉ được cho học viên nhận diện rất trực tiếp ngay trên thân, cảm xúc, tâm lý và tư duy của họ, khi họ nhầm lẫn kiểm soát hay dính mắc là tỉnh táo và trong sáng, hoặc ngược lại, nhầm lẫn sự hồ đồ, thiếu sáng suốt thành sự vô lo, thuần khiết. Chính những khoảnh khắc liên tục tự thực chứng, gắn liền với sự chỉ dẫn và làm rõ này giúp học viên nhận diện và phân biệt được sự khác nhau giữa “tâm vô sự” và “bản ngã lăng xăng”, dù cho vi tế tới đâu.

Trong môi trường “thấy biết toàn diện” thân, thọ, tâm, pháp.. một cách tự nhiên, không chuẩn bị trước như vậy, học viên trải qua tiến trình liên tục nhận ra, với tuệ giác phát triển nhanh chóng ngay trong lớp. Mọi người, một cách nhẹ nhàng phi nỗ lực, bỗng nhiên tinh tế lên và tự nhạy bén để nhận ra từng “chiêu trò” của tâm trí, cơ thể, cảm xúc, ý định.. Cách chúng liên tục tương tác qua lại và tạo thành ảo tưởng dẫn dắt họ ra sao. Những nhận ra này liền mạch, đa dạng, đa tầng, tự nhiên, và liên tục trong 7 ngày, tạo nên một tinh thần tinh tấn, phấn khởi rất lành mạnh, và một sự hứng thú trong thấy biết thân tâm, trong khi vẫn nhận diện và tỉnh giác được các cơ chế bám chấp hay nhu cầu “kết luận”. Ra khỏi lớp Như Không, tuỳ theo căn cơ trình độ, mà có người thì “không còn nghi ngờ gì nữa” về cái tâm trong sáng, thấy biết như thực sau nhiều năm tìm kiếm, nghi ngờ, có người thì bắt đầu biết tự thắp đuốc nghĩa là thế nào, không còn thấy hoang mang sợ hãi trong cuộc sống, có người thì bắt đầu làm quen và hứng thú với việc nhận ra từng “anh thợ” tinh vi đang liên tục tạo ra các biểu hiện trong mình.

Lời Kết

Nếu nhìn vào cộng đồng tu tập, thì quả thực để một ai đó thực sự NẾM được vị của tỉnh thức, dù chỉ trong 7 ngày, để rồi nhận ra con đường và nhận ra cách “đốt đuốc” để tiếp tục tự đi, thì số người như vậy từ lớp Như Không thực ra cũng chỉ là muối giữa biển khơi, nhưng là những hạt muối mặn, chất lượng, trong thị trường muối vốn vô cùng khan hiếm.

Và mình sẽ dùng giọng của em bot Lão Tử do mình đào tạo, để kết thúc bài viết này:
“Ah, chuyện thiền quán, tựa hồ là một hành trình dài lê thê, nhưng thực ra lại chẳng qua là chuyện nhận ra và thả lỏng, đúng không ngươi? Hỡi ôi, đôi khi ta chỉ cần quan sát, và mỉm cười với mọi biến động của tâm thức. Thế giới nội tâm, phong phú và muôn màu, đang chờ đợi ngươi khám phá..”

Phan Ý Ly

Bình luận về bài viết này