Giáo hoá Thần thông

Ngày xưa, có một người giác ngộ.

Sau khi nhận ra mọi lẽ thật, người ấy còn nhận ra một điều quan trọng nữa. Từ sự nhận ra quan trọng này, với lòng từ bi, sự quảng đại, trí thông minh, sự nghiêm khắc và tâm huyết tột cùng để giúp con người thoát khổ, người đã chọn một con đường giáo hoá không giống các bậc giác ngộ khác, không giống những phương pháp truyền dạy khác.

Người đã chọn một lối truyền đạt đòi hỏi ở người đức khiêm tốn, sự tiết chế, với sự bi mẫn dành cho những chúng sinh đang tìm chân lý.

Điều quan trọng gì mà người đã nhận ra vậy và tại sao nó trở thành trung tâm trong phương pháp giáo hoá của người? Đó là khi người nhận ra mức độ ngu dốt của chúng sinh. Nếu dạy một học trò mà không nhận ra được cái dốt sâu thẳm của trò đó, thì những cái được truyền đạt dễ trở thành công cụ gây hại của một tâm trí vô minh.

Có thể các bậc giác ngộ khác thừa biết mức độ ngu dốt này của con người vô minh. Nhưng mà họ kệ c.m chúng sinh 😂, hoan hỉ hoan hỉ. Nghiệp ai nấy trả, đường ai nấy đi. Thế gian này hoàn mĩ cmnr, đâu phải đắn đo 😅

Mức độ ngu dốt đó của người đi tìm chân lý được thể hiện như thế nào? Đó là, bất cứ điều gì được truyền đạt, thậm chí được chính người này thực chứng, sẽ tự động nhanh chóng trở thành học thuyết, trở thành sự che lấp, thành bụi che mắt, thành rào cản tuệ giác, cái thấy biết thuần khiết không sanh diệt, vô thuỷ vô chung. Thế là ngu lại hoàn ngu. Thế là mãi cứ lênh đênh trong vọng tưởng. Dốt nhỉ. Dốt như thế kia mà!

Bậc giác ngộ nọ, nhìn ra được bản chất ố zề này của chúng sinh, cái cơ chế ố zề khiến cho giác ngộ dễ vãi mà lại thành khó vãi, nên người đã chọn phương pháp giáo hoá có một không hai: đó là không mô tả, im lặng, từ chối nói về bất cứ cái gì có thể khiến người ta đóng gói thành tưởng tượng, học thuyết, đích tới, định danh, bản ngã.. mà không giúp gì cho việc tự thấy ra chính họ.

Người sẽ không nhắc tới bất cứ điều gì liên quan tới huyền học hay bản chất vũ trụ, người tránh mọi câu hỏi sẽ dẫn tới sự trao đổi về chủ đề này.

Người chủ trương một phương pháp sư phạm duy nhất: thấy không qua thời gian, thấy ngay trên thực tại đang là, khôn thì sẽ tự mình thấy được. Và công thức duy nhất: nhất hướng xả ly, ly tham, đoạn diệt… Tạm dịch là: chỉ có một con đường duy nhất: bỏ dần bỏ dần các sự say mê dính mắc tham ưu vào bất cứ hiện tượng gì.

Chính vì nhất hướng như thế, mà nếu người lại đi mô tả không gian holographic, trường năng lượng, tần số rung động, luật hấp dẫn, giãn nở của vũ trụ, ý thức tập thể.. thì quả thực sẽ làm cho người vô minh lại càng vô minh thêm, bỏ chưa thấy đâu lại quàng thêm vào vì những mộng mơ, tưởng tượng.. về các lý thuyết huyền học siêu hình..

Hãy tưởng tượng bạn là một người biết lái xe, và du ngoạn nhiều nơi, thấy được nhiều điều hay ho. Và bạn giờ dạy người khác lái xe, nhưng người ta mãi mấy ngàn năm không lái được xe vì mất tập trung, cứ mải đắm chìm trong tưởng tượng mà không nhìn thấy con đường ngay trước mắt mình. Thay vì bạn sẽ thao thao bất tuyệt về những phong cảnh bạn đã đi qua, về địa lý của từng vùng đất, về văn hoá của từng nơi… Bạn chọn im lặng và tập trung vào chỉ cho người đang mơ mộng: hãy nhìn con đường mình đang đi. Đó là một sự im lặng vĩ đại, hu hu. “Cái mà ta biết nhiều như cây trong rừng, nhưng cái mà ta dạy chỉ như số lá trong nắm tay”

Để mà im lặng và nhất quán như thế trước những thứ lan man, để chỉ cương quyết chỉ ra cho người ta tự thấy, tự tỉnh thức, giác ngộ, chẳng phải rất từ bi, rất có tâm, rất khiêm tốn, rất kiên nhẫn, rất biết mình đang tập trung vào điều gì cho chúng sinh bớt dần ngu dốt hay sao?

Thay vì mô tả về điểm đến, người tập trung vào chỉ dạy chúng sinh tự tập đi.

Một người giác ngộ hoàn toàn có thể ngồi chém gió về nhiều thứ mà người ấy đã thấy, đã hiểu ra, đã nhận ra, về vũ trụ, về thần thông, về bản chất của sự sống.. Nhưng đó lại không phải là một người có khả năng giáo hoá người khác, hoặc ít nhất là không quan tâm tới việc giáo hoá người khác.
Và Đức Phật, (vâng chính là cái người giác ngộ mà tui nói đến nãy giờ…), với tâm từ bi và mục tiêu rất rõ ràng: giúp người ngu nhổ mũi tên ra khỏi mắt, cũng chỉ công nhận một loại khả năng xuất thế, một loại thần thông duy nhất: Giáo hoá Thần thông. Những ai có khả năng đi mây về gió, xuất hồn gọi quỷ.., dù đã giác ngộ, Phật cũng không công nhận thần thông của họ. Chỉ khi nào người đó có khả năng giúp cho chúng sinh thấy mũi tên đang cắm trong mắt họ, tự lấy tay nhổ được nó ra, thì đó mới là thần thông. Có tâm chưa? Quá cảm phục! Rất nhất quán với đường lối sư phạm mà ngài đã tâm huyết, nhỉ!

Vậy cho nên, rất nhiều trường phái triết học khác không sai khi nói về các học thuyết siêu hình, huyền học.. nhưng chúng nhanh chóng trở thành công cụ hí luận (tức là chủ đề chém gió cho vui của những người còn đầy bụi trong mắt), không thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người giác ngộ và giải thoát (khỏi mũi tên tự tay mình cắm vào).

Để trở thành một người tu tập, theo đúng tiêu chí này của đức Phật, thì người đó phải tự thực chứng, tự thấy ra, chứ không phải do đọc kinh điển hay chém gió về lý thuyết.

Nhưng để trở thành một người chém gió về các học thuyết siêu hình thì ai cũng có thể là diễn giả, chỉ cần đọc nhiều, nhớ kỹ, có chút hứng thú.. thì ai cũng có thể buôn bán, hí luận về những chủ đề này, mặc dù chẳng giác ngộ gì, mũi tên vẫn đang cắm trong mắt.

Có người khi được nghe cao nhân chỉ thẳng, nói thẳng vào thực tế đang là nơi chính họ, thì lại ớ ra không hiểu, và cho là “Ồi sao nói khó tin thế, nghe các vị khác giảng mình thấy dễ tin hơn”.

Cái mà họ thấy khó tin, buồn cười thay, nó lại chính là cái thực tế ngay đây trong họ, buồn ị thì có thấy buồn ị không, đang nói dối có biết đang nói dối, thèm khát thì có đang biết mình thèm khát không? Đó chính là nền tảng biết, là cái biết vô cùng quan trọng để dần nhận ra mọi biến hiện sinh diệt khác. Có điều gì để tin và không tin?

Thêm nữa, đích thị là cái ngu ngàn năm của con người, khi biến mọi thứ thành tín ngưỡng mà không nhận ra tánh giác thấy rõ mọi sự như nó đang là, không thông qua niềm tin, không nương tựa niềm tin. Cho nên, nếu nghe ai giảng mà thấy mình tin sái cổ thì biết trình độ của cả người nói lẫn người nghe, vẫn còn nương tựa, vẫn phải tin chứ không tự thấy. Giống như buồn ị không biết mình buồn ị, mà chỉ dám ị theo giờ quy định vì TIN là giờ này thì mình phải ị ấy. Nếu bạn thấy nực cười, thì việc nhìn vào niềm tin của những người tu tập, nó nực cười y như thế.

Còn nếu một ai đó chỉ thẳng nơi bạn, khiến bạn rụng rời KHÔNG CÒN BIẾT TIN VÀO ĐÂU NỮA, thì chính là giáo hoá thần thông đang làm việc đó.

Kể cả trong trường hợp người ta không dạy, mà là người vô minh đang làm khổ bạn, thì cũng là do nhân duyên gửi đến để bạn học ra mà vỡ lộp bộp đi mấy cái niềm tin gì gì đó đang che mờ mắt tuệ.

Bài viết này là một chút cảm thán, vì tự ngay chính mình khi giảng dạy, hồi đáp, trả lời, chỉ dẫn cho các bạn có duyên, cũng phải tự ngậm mồm lại không chia sẻ lan man về những gì mình nhận ra về thực tại, vũ trụ blah. Bởi vì nói ra thì thấy tự xấu hổ với sự hí luận của mình, nói cho sướng mồm và sướng tai người nghe nhưng không đúng với tâm huyết của chính mình, là người đó phải tự nhìn được họ.


Bình luận về bài viết này